Ủy viên HĐQT PV Gas City muốn trở thành cổ đông lớn, đăng ký mua 4.7 triệu cp
Trước giao dịch, ông Hao chưa sở hữu cổ phiếu nào tại PCG. Nếu giao dịch thành công, ông Hao sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 24.9%, trở thành cổ đông lớn của Doanh nghiệp này.
Phiên sáng 21/05, giá cổ phiếu PCG giao dịch ở mức 6,300 đồng/cp. Chiếu theo mức giá này, ước tính ông Hao cần chi khoảng 30 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Ông Zhou Hao sinh năm 1990, quốc tịch Trung Quốc, trình độ cử nhân, trở thành Thành viên HĐQT PCG từ ngày 25/04/2024 theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024, nhiệm kỳ 2024-2029.
Hiện, ông Zhu Zhilin - Thành viên HĐQT vừa được miễn nhiệm tại ngày 26/04/2024 đang nắm 4.7 triệu cp, bằng lượng cổ phần đăng ký mua của ông Hao. Với cơ cấu cổ đông khá cô đặc và lượng cổ phiếu lưu hành không dồi dào (gần 19 triệu cp), nhiều khả năng ông Hao sẽ có một giao dịch sang tay cổ phiếu với ông Zhilin.
Lùm xùm “nội chiến”, PCG lỗ nặng nhất 18 quý
Công ty Gas City được thành lập vào tháng 6/2007, là thành viên trong hệ sinh thái của PV Gas (HOSE: GAS), hoạt động chính trong mảng kinh doanh các sản phẩm khí gas tiêu thụ nội địa. Đối tác chiến lược của PCG là Tập đoàn năng lượng ENN - XinAo đến từ Trung Quốc.
Giữa năm 2023, PCG trải qua cuộc “nội chiến” đáng chú ý, liên quan đến khoản nợ giữa PCG và cổ đông lớn là Công ty TNHH Đầu tư Việt Tú. Cụ thể, vào đầu năm 2023, cổ đông lớn Việt Tú (Giám đốc là bà Nguyễn Thanh Tú, sinh năm 1993, kiêm Thành viên HĐQT PCG) đã triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường để bãi nhiệm ông Zhu Zhilin và ông Gao Zhixin khỏi chức vụ Thành viên HĐQT và BKS, do ông Zhilin vi phạm nghiêm trọng quyền cổ đông, còn ông Zhixin không đủ tiêu chuẩn về trình độ pháp luật Việt Nam.
PCG sau đó giải thích căn nguyên câu chuyện là khoản nợ 20 tỷ đồng vào năm 2018, do PCG cho Việt Tú vay. Tuy nhiên, sau đó, Việt Tú liên tục gia hạn nợ và không có động thái thanh toán, do đó đã bị PCG gửi đơn kiện lên tòa án vào năm 2022 với số tiền cả gốc lẫn lãi gần 26 tỷ đồng.
Việc Việt Tú dùng quyền cổ đông lớn triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường cũng không được PCG chấp thuận, do đó PCG liên tục khẳng định không đăng tải thông tin hay tài liệu về cuộc họp. Vụ việc kéo lên tòa án, sau đó Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội kết luận tạm ngưng thi hành các nghị quyết của cuộc họp này, giữ nguyên quyền quản trị, điều hành của các thành viên.
Dẫu vậy, ĐHĐCĐ 2024 đã thông qua việc miễn nhiệm ông Zhixin, còn bà Nguyễn Thanh Tú ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, đại hội cũng thông qua việc chấp thuận cho bà Tú không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai cổ phiếu PCG, để nâng tỷ lệ sở hữu từ 22.74% lên 37.43%, tương đương hơn 7 triệu cp.
Lùm xùm “nội chiến” ngã ngũ, nhưng kết quả kinh doanh của PCG không khá hơn. Thực tế, dù doanh thu hàng năm vẫn duy trì mức hàng trăm tỷ đồng nhưng lợi nhuận của PCG rất thấp, thậm chí thua lỗ. Tại quý 1/2024, doanh thu thuần đạt trên 90 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, nhưng PCG vẫn lỗ sau thuế gần 5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 800 triệu đồng), là khoản lỗ nặng nhất trong 4 năm qua.
Tình hình ảm đạm này thực chất đã kéo dài từ cách đây nhiều năm, số lỗ lũy kế tại cuối quý 1 là 46 tỷ đồng. Đồng thời, việc tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất năm 2022-2023 còn khiến PCG bị HNX đưa vào diện kiểm soát.
Đầu tháng 5/2024, PCG vướng phải loạt vi phạm hành chính. Doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt tổng cộng 335 triệu đồng. Trong đó, 125 triệu đồng vì cho Việt Tú vay, 85 triệu đồng vì không công bố thông tin ĐHĐCĐ 2023, và 125 triệu đồng do không đảm bảo số lượng thành viên BKS năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận