Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: VIC đang rất thấp so với giá trị thật
Chốt phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu VIC đừng tại mức 53.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá ở mức 202.520 tỷ đồng.
Sáng 17/5, tại ĐHĐCĐ thường niên của Vingroup (HoSE: VIC), khi được cổ đông hỏi về cổ phiếu, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho rằng: “Giá trị của VIC rất thấp so với giá trị thật. Nếu là cổ đông trung thành thì sẽ không mất gì cả, anh chỉ mất khi anh bán, chưa bán thì chưa mất gì cả, theo thời gian, thị giá VIC sẽ trở lại”.
Ông Vượng cũng nói thêm, có thể do tin đồn, thị trường chung khó khăn làm nhà đầu tư cảm thấy không vui và tháo chạy còn ông không thấy lý do để bán cổ phiếu.
Vậy giá cổ phiếu VIC bao nhiêu thì hợp lý?
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu VIC đừng tại mức 53.200 đồng/cổ phiếu, hầu như đi ngang trong vòng 3 tháng qua, còn tính xa hơn lại giảm gần 32% trong vòng 1 năm qua. Tương ứng vốn hoá ở mức 202.520 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán VietCap (VCSC) lại có khuyến nghị mua đối với VIC với giá mục tiêu là 94.900 đồng/cổ phiếu, tức cao hơn tới 78% so với thị giá hiện tại.
Trong quý 1/2023, Vingroup đạt doanh thu 39 nghìn tỷ đồng, tăng vọt 114% so cùng kỳ. Lãi ròng đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% chủ yếu được hỗ trợ bởi các giao dịch bán buôn tại Vinhomes Ocean Park 2 & 3 và các mảng kinh doanh khác được cải thiện bù đắp cho doanh thu thấp hơn của mảng Công nghiệp.
Tính đến cuối quý 1/2023, tổng nợ vay đáo hạn trong vòng 12 tháng của Vingroup là 64,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ban lãnh đạo dự kiến sẽ hoàn trả thông qua dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, huy động vốn mới từ thị trường trong nước và quốc tế, và/hoặc thoái vốn một số mảng kinh doanh không cốt lõi.
Ban lãnh đạo Vingroup cho biết, trong năm nay, VinFast định hướng phát triển mạng lưới bán hàng tại tất cả thị trường mục tiêu trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại thị trường trọng điểm (Mỹ).
Trong sản xuất, công ty đẩy mạnh sản xuất hàng loạt các mẫu xe đã mở bán trong năm 2022 để bàn giao đúng hạn cho khách hàng (VF5, VF8, VF9), chuẩn bị triển khai sản xuất mẫu xe mới giới thiệu (VF6 và VF7), đồng thời đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án nhà máy sản xuất tại bang Bắc Carolina (Mỹ).
Ngoài ra, VinFast đang cân nhắc triển khai dòng xe điện siêu nhỏ, nhằm mục tiêu phủ toàn bộ các dải phân khúc sản phẩm.
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, trước dự báo hoạt động có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách, Vinhomes cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp linh hoạt.
Công ty sẽ tận dụng tối đa lợi thế về quỹ đất để phát triển những dự án đô thị xanh, thông minh, đầy đủ tiện ích. Ở phân khúc nhà ở xã hội, Happy Home sẽ là một trong những trọng tâm phát triển, với cam kết tích hợp mô hình đầy đủ tiện ích.
Với bất động sản khu công nghiệp, Vinhomes IZ tiếp tục bám sát dòng tiền đầu tư FDI, tập trung nghiên cứu và áp dụng các mô hình bất động sản công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái chuyên ngành quy mô lớn.
Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail dự kiến khai trương 2 trung tâm thương mại mới, nâng quy mô lên 85 trung tâm thương mại tại 45/63 tỉnh thành. Với du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, Vinpearl, VinWonders đặt kỳ vọng nhiều vào sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng.
Từ đó, VCSC đưa ra dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của Vingroup với doanh thu 168.339 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.602 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của Vingroup dự kiến lên tới 9.483 tỷ đồng, do VCSC cho rằng lợi nhuận cao hơn đến từ cổ đông thiểu số của VHM và VRE bù đắp một phần bởi khoản lỗ cao hơn từ cổ đông thiểu số của VinFast.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận