Trung Quốc: Tạm ngừng giao dịch trái phiếu của "ông lớn" bất động sản China Evergrande Group
Các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc phải tạm ngừng giao dịch trái phiếu của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là China Evergrande Group.
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho biết, họ đã tạm ngừng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của China Evergrande Group có kỳ hạn đến tháng 7/2022 và lãi suất 6,98% sau "những biến động bất thường". Việc đình chỉ được thực hiện từ cuối tuần trước (ngày 3/9).
Dữ liệu cho thấy, giá trái phiếu của Evergrande Group đã giảm hơn 25%, xuống mức thấp nhất là 40,18 NDT/trái phiếu sau khi nối lại giao dịch vào chiều ngày 6/9. Trái phiếu của Evergrande Group đáo hạn vào tháng 5/2023 có lãi suất 5,9% tại sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến cũng bị đình chỉ giao dịch, đã giảm hơn 35% sau khi giao dịch trở lại.
Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Chengxin của Trung Quốc (CCXI) đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Evergrande Group và trái phiếu trong nước của tập đoàn này từ AAA xuống AA vào ngày 2/9 vừa qua, đồng thời đặt Evergrande Group và trái phiếu của họ vào danh sách theo dõi để tiếp tục hạ bậc.
Ngày 3/9, Cơ quan Lưu ký và Thanh toán Chứng khoán Trung Quốc (CSDC) đã giảm "tỷ lệ chuyển đổi" trái phiếu của Evergrande kỳ hạn tháng 7/2022 xuống 0, có hiệu lực vào ngày 7/9. Các trái phiếu kỳ hạn khác của tập đoàn này cũng không có trong bảng tỷ lệ chuyển đổi của CSDC trong ngày 3/9 vì chúng không còn đủ tiêu chuẩn để đưa vào.
Evergrande từ chối bình luận về vấn đề trên, nhưng trong một tuyên bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải hôm 6/9, tập đoàn này thừa nhận tác động của việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với việc sử dụng trái phiếu của họ làm tài sản thế chấp trong giao dịch repo.
Giao dịch repo là giao dịch trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu tài sản tài chính cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu tài sản tài chính đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định.
Những lo lắng liên quan tới Evergrande, tập đoàn đang chật vật huy động vốn để trả cho các nhà cho vay và nhà cung cấp, đã gia tăng do cho rằng một cuộc khủng hoảng nợ của “đại gia” bất động sản này có thể gây ra những cơn chấn động cho hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Evergrande hiện đang "cõng trên lưng" tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD tính đến cuối năm 2020. Thực tế, Evergrande đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020.
Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến các công trình xây dựng trì trệ và chậm tiến độ. Tâm lý hoài nghi về số phận Evergrande ngày càng tăng lên sau khi các cơ quan xếp hạng đồng loạt hạ mức xếp hạng tín dụng của tập đoàn này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận