24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
lãng tử buôn nước mắm Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

TPB đã công bố BCTC Q3-2024 với kết quả kinh doanh có phần đi xuống so với 2 quý đầu năm 2024 và cùng với đó bức tranh tài chính cũng có phần xấu đi khi nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tăng lên, bộ đệm giảm. Tuy nhiên trong Q3 TPB lại có điểm sáng là tăng trưởng tín dụng mạnh trở lại và liệu với chỉ một điểm sáng này có thể giúp ngân hàng có tiềm năng tốt hơn trong thời gian tới? Chúng ta sẽ cùng đi bóc tách chi tiết hơn trong bài viết này.

I. Kết quả kinh doanh và các chỉ số quan trọng

TPB đã ghi nhận tổng lợi nhuận thuần trong Q3-2024 đạt 3,995 tỷ đồng, giảm 5.2% yoy. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,731 tỷ đồng, tăng 9.8% yoy.Tuy nhiên nếu nhìn kết quả ngân hàng đạt được trong Q3 vừa qua so với 2 quý đầu năm 2024 thì kết quả kinh doanh đang có xu hướng giảm khá nhiều qua từng quý. (Hình 1)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Hệ số NIM sau 4 quý liên tục tăng đã bị giảm trở lại trong Q3 khi giảm từ 4.16% từ Q2 xuống còn 4.05% tại Q3 vừa qua.

Xét từng mảng kinh doanh chính của ngân hàng như tín dụng, dịch vụ hay các hoạt động khác đều có xu hướng chung là giảm nhẹ so với kết quả kinh doanh Q2 gần nhất nhưng vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ do mức nền cùng kỳ 2023 là khá thấp. Mức tăng chi phí hoạt động của ngân hàng trong Q3 đã được bù đắp bởi việc trích lập dự phòng rủi ro giảm khá nhiều so với cùng kỳ nên đã giúp cho lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng được dù cho doanh thu đi lùi.

Một số chỉ số kinh doanh quan trọng như NIM hay CIR đã có dấu hiệu đảo chiều sau 4 quý liên tục tích cực. NIM đã quay đầu giảm từ 4.16% Q2-0224 về 4.05% tại Q3. Hệ số CIR cũng tăng trở lại từ 35.55% lên 36.47%. Chỉ còn hệ số chi phí vốn COF vân đang duy trì được chiều hướng tích cực khi tiếp tục giảm xuống mức 4.02%, mức thấp nhất từ 2023 tới nay. (Hình 2)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Những kết quả có phần báo động trong Q3 của ngân hàng phần nào phản ánh tình trạng kinh doanh khó khăn của TPB trong 2 quý đầu năm khi tăng trưởng tín dụng 2 quý chỉ đạt mức 3.9%, thấp hơn cả mức trung bình của ngành. Ngoài ra nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 2023 cho tới nay cũng là áp lực lớn đặt lên TPB cần xử lý và hành động trong thời gian tới. Chi tiết hơn chúng ta sẽ bóc tách xem ngân hàng đang xử lý như thế nào và tiềm năng thời gian tới sẽ ra sao trong phần dưới bài viết.

II. Hoạt động kinh doanh và điểm nhấn

1. Mảng tín dụng

Trong 2 quý đầu năm 2024 mảng tín dụng của TPB đã tăng trưởng rất kém khi ghi nhận mức -2.2% trong Q1 và 3.9% sau 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên Q3 lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi tổng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sau 9 tháng đã đạt 14.3%. Từ mức thấp nhất so với cùng kỳ trong 4 năm gần đây thì mức tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng lại vươn lên cao nhất so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm trong 4 năm gần nhất. (Hình 3)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Động lực chính hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho TPB đến từ mảng công nghiệp chế biến chế tạo (+60% so với đầu năm) và cho vay tiêu dùng (+6.6%). Về tỉ trọng, chiếm tỉ trọng chính trong tổng tín dụng của ngân hàng là mảng cho vay tiêu dùng với tỉ lệ lên tới 49.2% và các mảng còn lại chỉ chiếm dưới 10% mỗi mảng. Khách hàng chính trong nhóm vay tiêu dùng của ngân hàng là các khách hàng cá nhân với nhu cầu chính là vay mua nhà và mua xe.

Vào tháng 8/2024, chính phủ đã phê duyệt giảm 50% lệ phí trước bạ với các ô tô lắp ráp trong nước đến hết năm 2024 đã phần nào giúp cho thị trường mua xe ô tô có phần sôi động trở lại và cũng là động lực hỗ trợ cho tín dụng của ngân hàng. Trong Q3-2024 cũng có nhiều dự án BĐS, nhất là các dự án phục vụ nhu cầu thực ở 2 đầu HCM và Hà Nội khiến cho thị trường BĐS dần ấm trở lại sau giai đoạn khó khăn trước đó. Đây là 2 trong những động lực chính hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng trong Q3 vừa qua của TPB cũng như cả Q4 tới.

Với chính sách giảm phí vẫn được tiếp tục kéo dài trong Q4-2024 và thị trường BĐS đang khá sôi động cũng như nhiều chủ đầu tư lớn đang bắt đầu mở bán thì khả năng cao tăng trưởng tín dụng Q4-2024 của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốt và chúng tôi cho rằng TPB hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 18-20% cho năm 2024.

Về đầu vào, huy động tiền gửi của TPB cũng khá tốt khi trong Q3 tổng tiền gửi tăng thêm 22k tỷ đồng, tăng 8.2% so với đầu năm và cũng có thể đảm bảo đủ cho vay khi ngân hàng vẫn thường xuyên huy động trên cả kênh liên ngân hàng. (Hình 4)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Tuy nhiên casa của ngân hàng đang có xu hướng giảm khá nhiều trong 2 quý gần đây khi giảm từ 22.9% từ Q1 chỉ còn 18.1% tại cuối Q3, tức giảm tới 4.8%. Điều này cùng với việc TPB là một trong những ngân hàng thường có lãi suất huy động ở mức cao sẽ khiến cho áp lực chi phí đầu vào của ngân hàng tăng lên trong thời gian tới. Thực tế NIM và hệ số CIR trong Q3 đã đảo chiều tiêu cực tại Q3-2024 như phân tích ở phần đầu chính là dấu hiệu cho thấy việc kinh doanh đang khó khăn hơn.

Như vậy tổng quan lại mảng tín dụng của TPB cho thấy 2 quý cuối năm sẽ là giai đoạn ngân hàng đẩy mạnh cho vay và tăng trưởng tín dụng để hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt trong năm 2024. Tuy nhiên NIM và các chi phí có phần chững lại sẽ phần nào ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần của ngân hàng.

2. Bức tranh tài chính

Sau khi tạo đỉnh về cả nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu vào Q3-2023 thì cả 2 chỉ số này của TPB đều có phần giảm khá tốt trong 3 quý tiếp theo khi tỉ lệ nợ xấu giảm từ 2.97% về 2.06%, nợ xấu cũng giảm từ 5,350 tỷ đồng xuống còn 4,400 tỷ đồng vào cuối Q2-2024. Tuy nhiên đến Q3-2024 nợ xấu đã vượt đỉnh cùng kỳ khi ghi nhận 5,369 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng trở lại mức 2.29%. (Hình 5)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Bóc tách từng nhóm nợ thấy răng nợ xấu trong Q3 tăng mạnh nhất là ở nhóm nợ số 3 với mức tăng gần 1,000 tỷ đồng so với Q2-2024. Nợ nhóm 4 cũng ghi nhận tăng nhẹ còn nợ nhóm 5 thì không biến động nhiều. (Hình 6)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Nợ nhóm 3 tăng lên cũng phần nào là hệ quả của việc nợ nhóm 2, nhóm nợ cần chú ý đã duy trì ở mức cao kể từ 2023 cho tới nay và sau thời gian sẽ kết chuyển sang các nhóm nợ phía trên. Điểm tích cực là nợ nhóm 2 này đang duy trì xu hướng giảm dần từ 6,942 tỷ đồng vào đầu 2023 xuống còn 5,202 tỷ đồng cuối Q3-2024. Điều này phần nào giúp giảm bớt áp lực trong tương lai của ngân hàng nhưng con số trên vẫn là khá cao nếu so với các năm trước đó.

Trong khi nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tăng lên thì bộ đệm dự phòng của TPB hiện lại đang ở mức thấp với tỉ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức 59% sau Q3-2024, con số thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2022 trở về trước khi liên tục duy trì mức quanh 120-140%. (Hình 7)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Việc này sẽ đẩy áp lực trích lập đối với TPB là rất lớn để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Thực tế ngân hàng đã tăng mạnh trích lập trong 2 quý cuối năm 2023 nhưng sang 2024 lại có phần giảm đi khá nhiều, nhất là trong 2 quý gần đây. Có thể một phần trước đó ngân hàng thấy rằng nợ xấu đã giảm khá nhiều đầu năm 2024 và cũng muốn hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận (thực tế lợi nhuận trong năm 2024 tăng trưởng rất tốt) nên đã hạ trích lập xuống.

Có lẽ khả năng rất cao trong Q4 này và cả năm 2025 tới TPB sẽ phải thường xuyên duy trì mức trích lập cao, thậm chí luôn trên mức 1,000-1,300 tỷ đồng mỗi quý để ít nhất đưa bộ đệm dự phòng trở lại vùng an toàn và dần hạ tỉ lệ nợ xấu về quanh ngưỡng 2% trước khi tính giảm trích lập sau này.

Điều này cùng với mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024 sẽ là rào cản và thách thức lớn đối với TPB trong Q4 này và 2025 tới về tăng trưởng lợi nhuận cho ngân hàng.

3. Mảng kinh doanh ngoài lãi

Mảng kinh doanh ngoài lãi đóng góp tỉ trọng 23.8% về lợi nhuận cho ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong đó đóng góp chính là hoạt động dịch vụ với tỉ trọng lên tới 80% lợi nhuận của mảng kinh doanh ngoài lãi.

Hoạt động dịch vụ bao gồm chính là hoạt động thanh toán và dịch vụ khác. Đây chính là nghiệp vụ thu hồi nợ xấu của ngân hàng và trong 9 tháng đầu năm 2024 hoạt động này đang tăng trưởng khá tốt với mức tăng trưởng 63.8% so với cùng kỳ 2023. Ngân hàng đang trong giai đoạn xử lý mạnh mẽ các khoản nợ xấu để kiểm soát và giảm tối đa mức nợ xấu tăng lên qua từng quý nên theo chúng tôi khoản thu nhập khác này sẽ còn được duy trì ở mức cao trong thời gian tới dù cũng khá khó để có thể dự đoán được. (Hình 8)

TPB – 'Bức tranh sáng tối'

Hoạt động thanh toán tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt +33.5% so với cùng kỳ cũng là động lực lớn thúc đẩy hoạt động dịch vụ tăng trưởng 49.9% yoy. Q4-2024 chúng tôi cho rằng mảng hoạt động dịch vụ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng mạnh do mức nền cùng kỳ thấp cùng các hoạt động vẫn duy trì tích cực.

III. Tổng kết và định giá

Như vậy với những phân tích chi tiết trên chúng ta thấy bức tranh về TPB có cả mảng tối và mảng sáng sau 3 quý đầu năm 2024. Chúng tôi có thể tóm tắt lại như sau:

Tăng trưởng tín dụng nhảy vọt trong Q3 nhờ động lực từ thị trường tiêu dùng (BDS ấm lại nhất tại Hà Nội, giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp trong nước giúp tín dụng mua nhà, mua xe tăng tốt). Q4 dự kiến tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ các động lực trên vẫn được duy trì. Ngoài ra mảng chế biến chế tạo tín dụng cũng tăng rất tốt.

Tuy nhiên các hệ số kinh doanh đang có dấu hiệu chậm lại như NIM, CIR đều đảo chiều trong Q3-2024. Bức tranh tài chính của ngân hàng cũng xấu đi trong Q3 gây áp lực lớn lên ngân hàng.

Ngân hàng sẽ phải trích lập lớn trở lại trong Q4-2024 và cả 2025 tới khi bộ đệm dự phòng thấp, nợ xấu tăng trở lại cùng với đó là mức nền lợi nhuận cao trong 2024 sẽ khiến cho KQKD các quý tới sẽ khó duy trì tăng trưởng cao được tiếp.

Như vậy dù tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức cao nhưng vẫn khó có thể giúp TPB tiếp tục tăng trưởng nhanh trong các quý tới và phần nào bức tranh tài chính sẽ khó khăn hơn khiến TPB không còn là ngân hàng tiềm năng lớn để đầu tư trong các quý tới nữa.

Tuy nhiên hiện mức định giá theo P/B của TPB đang khoảng 1.05 lần và đây là mức định giá không cao nên áp lực giảm giá dù FA đang xấu đi là không quá cao. Nhưng để có đà tăng giá mạnh lên các mức định giá cao hơn theo chúng tôi là cũng khó xảy ra, vì vậy kịch bản phù hợp nhất đối với TPB từ nay tới hết kỳ bctc Q4 sẽ là dao động trong vùng giá 16.5-18.5k/cp tương ứng mức P/B trong vùng 1-1.15 lần.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
16.25 +0.20 (+1.25%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả