TNG - Bước vào chu kỳ tăng trưởng mới (Kỳ 1)
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) là 1 trong những doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam. Đây cũng là 1 trong những cổ phiếu có vốn hóa thị trường dẫn đầu trong ngành.
Ngành dệt may đã qua “đáy xấu nhất”
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam đạt 22.35 tỷ USD, giảm 14.2% so với 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu dệt may trong tháng 08/2023 đạt 3.3 tỷ USD, giảm 13.2% so với cùng kỳ năm trước; nhưng tăng 3.1% so với tháng 7/2023.
Mức giảm này thấp hơn đáng kể so với mức giảm 15.6% (tương ứng giảm tới 2,9 tỷ USD) của 6 tháng đầu năm nay và so với nửa đầu năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 8 vừa qua cũng đạt mức cao nhất theo tháng kể từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy đà suy giảm doanh thu của ngành dệt may Việt Nam đang dần được thu hẹp.
Theo đánh giá gần nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay giảm khoảng 9 - 10% so với năm 2022, trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 giảm từ 8 - 10% so với năm 2022.
Tổng cầu thế giới sụt giảm và sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên nhiều doanh nghiệp buộc phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh nhằm duy trì hoạt động. Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đơn vị dệt may hàng đầu Việt Nam, nhận định ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”. Người viết kỳ vọng nhu cầu các mặt hàng dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, tết, khi đó hoạt động xuất khẩu sẽ sôi động hơn.
Tỉ trọng xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 6T2022 (trong) và năm 6T2023 (ngoài)
Ngoài ra, các mặt hàng dệt may của Viêt Nam xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ - chiếm trên 44% trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023. Việc tỷ giá đang neo ở mức cao sẽ có lợi cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những thị trường sử dụng đồng USD. Hiện tại, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD đang tiến sát ngưỡng 24,000 đồng.
Tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2021 đến ngày 04/09/2023
Mặt khác, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1.5 - 2%) nghiên cứu, áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Điều này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành dệt may đỡ phải chịu áp lực lãi vay, dễ dàng chuyển đổi trong giai đoạn khó khăn.
Mở rộng và phát triển mạnh mảng ODM (Original Design Manufacturing)
Hoạt động kinh doanh chính và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của TNG là gia công may mặc theo phương thức FOB 1 và CMT và xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Decathlon, adidas, Nike, TCP, Sportmaster…
Ngoài ra, TNG còn đẩy mạnh mở rộng phạm vi, tăng xưởng sản xuất tại Chi nhánh Đồng Hỷ giai đoạn 2, góp phần quan trọng trong việc doanh thu năm 2022 đạt 6,772 tỷ đồng, tăng 24.35% so với cùng kỳ năm 2021. Lần đầu tiên TNG có một Chi nhánh đạt doanh thu trên 1,000 tỷ đồng/năm là Chi nhánh Đạt Từ, với 1,177 tỷ đồng. Tổng số chuyền may năm 2022 là 322 , tăng 38 chuyền may so với năm 2021 chỉ có 284 chuyền may.
Trong năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh 2 dự án: xây dựng nhà máy in Sơn Cẩm với diện tích 24,000m2 và nhà máy công nghệ Sơn Cẩm diện tích 20,000m2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm 2023. Ngoài ra, TNG đầu tư 5 dây chuyền in phục vụ ngành giày da, tiến tới thiết kế găng tay, bán hàng ODM với mức doanh thu kỳ vọng 3 triệu USD.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp có phương thức sản xuất theo ODM, biên lợi nhuận ròng (NPM) đạt khoảng 5% - 7%. Người viết cho rằng, NPM của TNG sẽ cải thiện đáng kể trong các năm tới.
Chú thích:
CMT (Cut, Make, Trim): Là khâu gia công sản phẩm và dùng nguyên liệu từ bên đặt hàng.
OEM/FOB: OEM (Original Equipment Manufacturing) là doanh nghiệp sản xuất nhận đơn đặt hàng may mặc và sử dụng các loại vải được sản xuất trực tiếp từ doanh nghiệp để hoàn thành đơn hàng được đặt may. FOB (Free On Board) là doanh nghiệp sản xuất nhận đơn đặt hàng may mặc chỉ có trách nhiệm ship hàng ra ngoài cảng biển là hết trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất.
ODM (Original Design Manufacturing): Doanh nghiệp sản xuất đảm nhiệm từ khâu thiết kế cho đến đóng gói và ship hàng.
OBM (Original Brand Manufacturing): Doanh nghiệp sản xuất sẽ tự chủ hết tất cả các khâu, từ thương hiệu riêng cho đến phân phối sản phẩm của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận