Tính toán cẩn trọng của nhà đầu tư ngoại khi rót tỷ USD vào Vingroup và Masan
Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc đưa ra các thỏa thuận ràng buộc đi kèm giúp họ phần nào kiểm soát rủi ro, hạn chế tác động bất lợi gây thiệt hại cho khoản đầu tư. Ở chiều hướng ngược lại, Masan và Vingroup là những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đã quá quen thuộc với việc đón nhận dòng vốn ngoại.
Theo tìm hiểu của VietTimes, trong giai đoạn từ năm 2013 tới cuối Quý 3/2019, CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) đã huy động được tới 7,6 tỷ USD. Dòng vốn ngoại đã đem lại nguồn lực tài chính dồi dào, giúp Vingroup bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng và trở thành doanh nghiệp tư nhân có quy mô hàng đầu tại Việt Nam.
Hồi tháng 5/2019, Vingroup đã đạt thỏa thuận hợp tác chiến lược với SK Group và được tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc rót vốn đầu tư 1 tỷ USD. Đổi lại, SK Group nắm giữ hơn 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với 6,5% vốn điều lệ của Vingroup.
Liên quan tới thương vụ này, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngày 16/5/2019, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) đã thế chấp 228 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu, cùng các quyền phát sinh từ số cổ phần này, tại SK Group.
Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa hai bên còn cho biết, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có quyền ưu tiên mua/đầu tư cùng với Vingroup vào một số nhóm công ty thỏa mãn các điều kiện theo thỏa thuận giữa SK Group và Vingroup.
Trong khi đó, điều kiện đi kèm khoản đầu tư trị giá 470 triệu USD của SK Group vào CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) hồi tháng 10/2018 có nhiều điểm khác biệt. Theo đó, Masan đã ký một thỏa thuận cấp cho SK Group một quyền chọn bán.
Cụ thể, trong trường hợp Masan và SK Group không thực hiện được việc tạo ra giá trị và sự cộng hưởng từ mối quan hệ đối tác hoặc không đồng ý với các định hướng chiến lược của Masan, SK Group có quyền yêu cầu Masan mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành (hơn 109,89 triệu cổ phiếu MSN).
Giá mua lại là 100.000 đồng/cổ phiếu, sẽ được trừ đi các khoản cổ tức và phân phối khác và Masan đã trả, và được điều chỉnh trong trường hợp phát sinh suy giảm.
Được biết, quyền chọn sẽ được thực hiện sau năm thứ 5 kể từ ngày hoàn tất thương vụ và trong năm thứ 6 kể từ ngày hoàn tất. Quyền chọn này chỉ có thể được thực hiện một lần đối với toàn bộ số cổ phiếu trên và sẽ vô hiệu nếu SK Group bán bất kỳ cổ phiếu nào trong đó.
Ngoài SK Group, một nhà đầu tư nước ngoài khác là Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore cũng có nhiều khoản đầu tư hàng trăm triệu USD vào cả Masan và Vingroup. Trường hợp của GIC có phần đặc biệt.
Khi Masan và Vingroup đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc sáp nhập VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding để hình thành một tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ mới, quỹ đầu tư GIC buộc phải đưa ra sự lựa chọn.
Bởi lẽ, nhóm GIC vừa là cổ đông lớn tại Masan (nắm giữ 9,99% vốn điều lệ) nhưng cũng đóng vai trò tương tự tại CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) - công ty mẹ của VinCommerce - khi nắm giữ 16,26% vốn.
Ở trong một diễn biến mới, Hội đồng quản trị Masan ngày 31/12/2019 đã thông qua nghị quyết về việc hoán đổi cổ phần.
Theo đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM. Đồng thời, tập đoàn sẽ phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của Masan.
Đáng chú ý, công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (MCH).
Nghị quyết được ký bởi ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan - cho thấy việc sáp nhập VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding (thông qua hoán đổi cổ phần với Vingroup) nhằm hình thành một tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ mới đang đi đến những bước cuối.
Tuy nhiên, việc Masan chỉ nhận 83,74% vốn tại VCM cũng cho thấy quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore sẽ không tham gia vào thương vụ hoán đổi cổ phần nêu trên. Dù sao thì GIC mới chỉ nắm giữ cổ phần VCM được 2 tháng trước khi nhóm cổ đông nắm quyền chi phối là Vingroup đưa ra một loạt các quyết định nhanh chóng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận