Tiết lộ mức thù lao của lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát
Năm 2021, thù lao Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoà Phát cao gấp 4,6 lần năm trước, trung bình mỗi thành viên nhận 16,8 tỷ đồng/năm, tương ứng với 1,4 tỷ đồng/tháng.
Theo báo cáo thường niên Tập đoàn Hoà Phát mới công bố, trong năm 2021, thù lao của các thành viên Hội đồng quản HPG trị đã tăng từ mức 25,24 tỷ đồng trong năm 2020 lên 117,81 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần.
Hiện nay, Hội đồng quản trị của Hoà Phát gồm 7 thành viên là ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Doãn Gia Cường - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Việt Thắng - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Hoàng Quang Việt và ông Nguyễn Ngọc Quang.
Như vậy, tính trung bình mỗi thành viên HĐQT nhận thù lao 16,83 tỷ đồng/năm, tương ứng với 1,4 tỷ đồng/tháng.
Trong khi đó, các thành của Ban Giám đốc cũng nhận thù lao tăng 1,67 lần, từ mức 2,32 tỷ đồng lên 3,89 tỷ đồng. Ban Giám đốc có 4 thành viên, Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Việt Thắng. Như vậy, trung bình trong năm qua, mỗi thành viên nhận gần 1 tỷ đồng.
Thành viên Ban Kiểm soát trong năm tài chính vừa qua cũng tăng thù lao, lương và thưởng lên 1,754 tỷ đồng. Ban kiểm soát hiện nay có 4 thành viên, như vậy, trung bình, trong năm qua, mỗi thành viên nhận 438 triệu đồng, tương đương hơn 36 triệu đồng/tháng.
Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đạt mức kỷ lục 150.865 tỷ đồng. Doanh thu năm 2021 vượt 26% kế hoạch đề ra, tăng 65% so với năm 2020 và cao gấp 8,3 lần cách đây 10 năm - năm 2011.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn vượt trên 192% kế hoạch đề ra, tăng 156% so với cùng kỳ 2020 khi đạt được 34.520 tỷ đồng, xác lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử của Tập đoàn cũng như của một công ty sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Mức lợi nhuận này cao gấp hơn 4 lần so với trước khi Hòa Phát bắt tay xây dựng Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 cách đây 5 năm.
Lĩnh vực thép (bao gồm Gang thép và Sản phẩm thép) đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 96% toàn Tập đoàn.
Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 32,6% và 24,7%. Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được Thép cuộn cán nóng HRC.
Lĩnh vực nông nghiệp mang về 718 tỷ lợi nhuận sau thuế, đóng góp 5% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn. Bò Úc giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch của Hòa Phát cũng thuộc top đầu của thị trường.
Doanh thu lĩnh vực bất động sản tăng 126% so với năm 2020, các khu công nghiệp liên tục mở rộng, tỉ lệ lấp đầy trên 90% và được các nhà đầu tư tin tưởng và yêu thích. Hòa Phát thành lập thêm 2 công ty trong lĩnh vực bất động sản nghiên cứu triển khai các khu đô thị và đại đô thị hiện đại trên tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.
Năm 2021 Hòa Phát quyết định đầu tư lớn vào lĩnh vực điện máy gia dụng; tăng cường công tác quảng cáo, bán hàng; khởi công xây dựng nhà máy tại Hà Nam với công suất 1 triệu sản phẩm/năm. Tháng 4/2021, Hòa Phát cũng khởi công nhà máy sản xuất Container tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát sở hữu lượng tiền gần 41.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm 22.500 tỷ đồng tiền mặt và hơn 18.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới một năm. Với những con số này, Hòa Phát đã soán ngôi Vingroup trở thành doanh nghiệp sở hữu lượng tiền đứng đầu sàn chứng khoán Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận