Thuyết âm mưu "cực mạnh": DCG sẽ làm gì để trả khoản nợ vay Genesis đáo hạn vào tháng này?
Cộng đồng crypto bắt đầu lo lắng về khoản nợ mà Digital Currency Group (DCG) đã vay của Genesis sắp đáo hạn trong tháng 5 này. Dù có nhiều thông tin không rõ ràng, một số kịch bản đang được đưa ra "mổ xẻ" để chúng ta có thể ra quyết định đúng đắn nhất.
Thuyết âm mưu "cực mạnh": DCG sẽ làm gì để trả khoản nợ vay Genesis đáo hạn vào tháng này?
Trong khi sự chú ý của cộng đồng đang tập trung vào mùa memecoin nở rộ và sự bùng nổ của BRC-20, có một "dòng chảy ngầm" vô cùng quan trọng đang âm thầm "đe dọa" đến thị trường những ngày tới đây.
Đó chính là việc Digital Currency Group (DCG) có một khoản nợ vay từ Genesis và sẽ đáo hạn trong tháng 5 này.
Dù cấu trúc tài chính và cơ cấu tài sản của DCG không được công khai rõ ràng, nhưng vẫn có các luật sư và "insider" có khả năng tiếp cận luồng thông tin này để đưa ra một số phân tích, lập luận đến cộng đồng.
Hãy cùng Coin68 đi sâu vào phân tích câu chuyện và đánh giá một vài khả năng có thể làm tác động đến thị trường nhé!
DCG: Từ "ông lớn" thành "ông kẹ"
Digital Currency Group (DCG) được thành lập vào năm 2015 bởi CEO Barry Silbert, là một công ty đầu tư mạo hiểm (venture captial - VC) tập trung vào thị trường tiền mã hóa.
Vào thời điểm năm 2023, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều quỹ VC từ lớn đến nhỏ trong thị trường crypto. Nhưng quay ngược về năm 2015, khi mà tiền mã hóa còn chưa phổ biến và được chấp nhận rộng rãi, việc thành lập một công ty chuyên đầu tư vào ngành crypto thực sự là một nước đi vô cùng "mạo hiểm".
Và việc mạo hiểm của Barry Silbert đã được tưởng thưởng vô cùng xứng đáng. DCG dần vươn mình trở thành một trong những quỹ đầu tư tiếng tăm và có giá trị nhất ngành, đã có cơ hội đầu tư và/hoặc mua lại nhiều công ty tiềm năng ở thời điểm khó khăn nhất.
DCG đã thực hiện đầu tư vào hơn 200 dự án/công ty tiền mã hóa, bao gồm nhiều cái tên uy tín hiện nay như Big Time Studios, BitGo, BitPay, Dapper Labs hay Dune Analytics, Etherscan,...
Danh mục đầu tư của DCG. Nguồn: CryptoSlate
Tuy nhiên, điều đưa DCG trở thành một trong những "ông lớn" có sức ảnh hưởng nhất ngành chính là việc tập đoàn này sở hữu các công ty con cũng có tầm ảnh hưởng không kém.
Các công ty con trực thuộc DCG. Nguồn: Coin98 Insights
Đơn vị cho vay Genesis, Grayscale với quỹ đầu tư Grayscale Bitcoin Investment (GBTC) và trang tin crypto lâu đời CoinDesk chính là 3 công ty con nổi bật nhất của DCG.
Khi "tình trạng sức khỏe" của những cái tên này đều ổn thì DCG chính là "ông lớn" có sức ảnh hưởng của ngành. Nhưng đến khi mọi chuyện không còn ổn thì DCG bỗng hóa "ông kẹ" đe dọa cả thị trường.
Khi CEO Gemini ra “tối hậu thư” cho DCG và Genesis hồi đầu năm nay, cộng đồng mới nhận ra rằng DCG hóa trở thành "ông kẹ" như thế nào.
Những mối quan hệ "dây mơ rễ má" chằng chéo thật khó lòng kể rõ, chúng ta có thể hiểu đơn giản như thế này:
Nguồn: CoinMarketCap
- DCG dù là công ty mẹ nhưng Genesis là một công ty hoạt động độc lập với ban điều hành riêng.
- Vì vậy, khi thiếu tiền, DCG vẫn phải vay nợ từ Genesis (vốn là một đơn vị lending) với lãi suất không hề "dễ thở". Chẳng hạn như theo một số tài liệu, DCG có khoản vay 500 triệu USD trong khoảng thời gian tháng 1-5/2022 với lãi suất lên đến 12%.
- Có vay thì phải có trả, một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng DCG có một khoản nợ "khổng lồ" sẽ đáo hạn vào tháng 5 này. Trong bối cảnh Genesis đã phá sản, đang cần thu hồi các khoản tài chính cần thiết để tái cấu trúc, thì DCG khó có thể "xù nợ" được.
Do đó, việc "DCG có đủ tài chính để trả nợ hay không? Nếu không đủ thì phải làm thế nào để trả nợ?" là vấn đề sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tới đây.
DCG nợ Genesis bao nhiêu tiền?
Một trong những thread về chủ đề này được cộng đồng Crypto Twitter (CT) chia sẻ nhiều nhất là của Ram Ahluwalia, CEO quỹ quản lý Lumia, với một số thông tin chính như sau:
- DCG đang có khoản nợ với Genesis trị giá 575 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng 5/2023.
- Cũng theo Ram Ahluwalia, tính đến cuối năm 2022, tập đoàn này chỉ nắm giữ 262 triệu USD tiền mặt (tài sản có tính thanh khoản cao nhất) - không đủ để trả nợ.
- Và dĩ nhiên, không thể đem hết tiền mặt đi trả nợ vì DCG vẫn cần duy trì một cấu trúc tài chính cân đối để vận hành hoạt động. Do đó, công ty cần phải tìm cách bán các tài sản khác của mình để "lấp đầy lỗ hổng" nợ nần này.
Vấn đề là bán tài sản nào và bán bao nhiêu tiền? Đến đây, chúng ta cùng phân tích vài "thuyết âm mưu".
Một số giả thiết về việc DCG sẽ trả nợ như thế nàoGiả thuyết 1: DCG bán các khoản đầu tư của mình
Với vai trò là một quỹ đầu tư, DCG có "tài sản đầu tư" gồm 2 phần:
(i) các token có tính thanh khoản cao: là token của các công ty mà DCG đầu tư và đã niêm yết lên sàn giao dịch; cùng với số crypto mà DCG đã mua để nắm giữ. Chẳng hạn như Filecoin (FIL), Stacks (STX), FLOW, Polkadot (DOT),...
Vì hoàn toàn có thể bán ra để thu về tiền fiat ngay lập tức nên các token dạng này có tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta hoàn toàn không biết được DCG sở hữu bao nhiêu token, giá trị như thế nào, đã mua ở mức giá nào hay DCG có "vui lòng" bán ra với mức giá thị trường hiện tại hay không,...
(ii) khoản nắm giữ từ các dự án chưa có token: có thể là token dự án sẽ "phát hành trong tương lai" hoặc cổ phần của chính dự án. Điểm chung là tài sản dạng này khó có thể "trao tay" ngay lập tức nên có tính thanh khoản kém.
Tựu chung lại, giả thiết này khó có thể xảy ra.
Giả thiết 2: DCG bán BTC đang nắm giữ
Cần nhấn mạnh rằng DCG không phải là công ty đại chúng (public company) nên không có ràng buộc về việc công khai tài chính. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể thu thập thông tin từ nhiều nguồn, tổng hợp lại và đưa ra các giả thiết gần đúng nhất về cấu trúc tài sản của DCG.
Trên thực tế, không có con số chính xác về số lượng Bitcoin mà DCG đang nắm giữ và đang mượn nợ.
Cũng theo Ram Ahluwalia, DCG đã vay 4.500 BTC từ Genesis và đang mở lệnh short.
Khi thời gian đáo hạn cận kề, DCG cần có tiền mặt để trả nợ thì nhiều khả năng sẽ dump số BTC kể trên (và có thể là nhiều hơn nữa) ra thị trường.
Giả thiết 3: DCG bán cổ phần trong các quỹ của Grayscale
Trước đó tờ Financial Times đưa tin rằng, DCG đang bán cổ phần trong các quỹ crypto của Grayscale để hỗ trợ cho công ty con Genesis đang bên bờ sụp đổ.
Grayscale đang quản lý số tài sản trị giá 50 tỷ USD. Chỉ tính riêng quỹ GBTC đã nắm giữ đến 3% tổng số BTC trên toàn thị trường. Ngoài ra còn có các quỹ cho Ethereum, Litecoin, Bitcoin Cash,...
Tầm quan trọng của những quỹ crypto này là điều không thể bàn cãi. Vì vậy, cổ phần của DCG trong Grayscale là phần tài sản có giá trị và dễ dàng bán lại - nhất là khi DCG còn đang bán đi với một mức "giá chiết khấu" như CoinDesk đưa tin.
Tuy nhiên, đó là khi DCG đang cần tiền để hỗ trợ "giải cứu" Genesis. Hiện tại thì DCG càng cần tiền để "giải cứu" chính mình hơn.
Do đó nhiều khả năng DCG sẽ tiếp tục bán cổ phần của mình trong Grayscale - Và nếu vẫn không đủ để trả nợ thì sao?
Giả thuyết 4: DCG bán Bitcoin và Altcoin mà quỹ Grayscale đang nắm giữ
Đến đây chúng ta càng cần quan tâm hơn là:
DCG có quyền/có khả năng/có thể bán số Bitcoin và Altcoin trong các quỹ của Grayscale hay không?
Dĩ nhiên, Grayscale hoạt động độc lập với công ty mẹ. Và nếu đã học được bài học từ vết xe đổ Genesis thì Grayscale càng ra sức ngăn chặn nếu DCG có tín hiệu "dòm ngó" đến tài sản của mình.
Trên thực tế từ dữ liệu on-chain, chúng ta cũng không thấy các lệnh chuyển coin "cá voi" nào trong thời gian gần đây, ngoài việc Ethereum Foundation chuyển 30 triệu USD tiền ETH lên sàn Kraken như Coin68 đã đưa tin. Nên thuyết âm mưu này khó có cơ sở thành hiện thực.
Nếu đã đọc đến đây tin rằng các bạn độc giả đã có kết luận của riêng mình và có quyết định sẽ phản ứng thế nào trong bối cảnh thị trường sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận