Thời điểm thị trường đã hấp dẫn nhà đầu tư?
Theo các chuyên chứng khoán, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp FII, khối ngoại đã liên tục mua ròng từ đầu năm đến nay. Còn trong nước, dòng tiền dồi dào hiện nay đến từ các nhà đầu tư cá nhân, tự doanh của các công ty
Nhận định về việc thanh khoản những phiên gần đây được cải thiện rõ rệt và nguồn gốc của sự xuất hiện dòng tiền dồi dào hơn, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, có 3 lý do. Thứ nhất đến từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân, bởi tính đến cuối quý II/2022, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường ở mức 50.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn so với mức đầu năm 2022. Có nghĩa là các nhà đầu tư đang sẵn sàng có lượng tiền mặt rất lớn để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội.
Thứ hai, trợ lực từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam. Đến tháng 6, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là một động lực khá tích cực hỗ trợ cho thanh khoản.
Thứ ba, khoảng 4-5 tuần gần đây, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đã khá tích cực trong việc quay trở lại mua ròng trên toàn thị trường.
Ngoài những lý do này, ông Trương Thái Đạt, Phó Giám đốc khối phân tích Công ty CP Chứng khoán DSC cho rằng, các nhà đầu tư vẫn chờ đợi những thời điểm quan trọng của thị trường trước.
Cuối tháng 7 vừa qua, rất nhiều nút thắt về thời điểm của thị trường đã được giải tỏa. Thứ nhất, thời điểm về kỳ họp cuối tháng 7 của FED, kỳ vọng về lãi suất mục tiêu cho cuối năm đã giải tỏa một phần những tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Thứ hai, không chỉ thị trường Việt Nam hồi phục mà bản thân thị trường quốc tế, thị trường Mỹ, các chỉ số lớn của thị trường Mỹ như S&P500, Nasdaq cũng đã hồi phục 15-20% kể từ khu vực đáy và cũng đã vượt qua được những khu vực kháng cự mạnh. Sự cải thiện của thị trường quốc tế đã giúp cho tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam có được sự cải thiện rõ ràng hơn.
Thứ ba, kết quả kinh doanh quý II/2022 vừa qua của các công ty niêm yết dù có sự lo ngại không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại mức tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trung bình đạt 24%.
“Sự giải tỏa ba yếu tố về mặt thời điểm này đã giúp cho dòng tiền chờ đợi bên ngoài tham gia vào thị trường một cách mạnh mẽ hơn”, ông Trương Thái Đạt trao đổi trên Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Giải thích thực tế cho thấy, đang có xu hướng dòng vốn nước ngoài bị rút ra trên toàn cầu, tuy nhiên ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết, bối cảnh vĩ mô, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có sự ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ việc lạm phát tăng cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều chậm lại trong năm 2022 và 2023. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một điểm sáng về mặt tăng trưởng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong 6 tháng đầu năm, sự điều hành khá chắc tay của Ngân hàng Nhà nước đã được kiểm chứng khi lạm phát vẫn ở một mức có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, đồng Việt Nam vẫn duy trì sức mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng khá mạnh… và đây là những yếu tố đó hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tự tin quay trở lại Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư châu Âu hay Mỹ vẫn còn khá thận trọng khi quay trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam, chỉ các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Thái Lan… khá tự tin vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, bởi họ hiểu Việt Nam cũng sẽ giống như câu chuyện tăng trưởng của nước họ cách đây 10 năm.
Thêm vào đó, thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã khá mạnh tay trong việc thanh lọc thị trường, tăng cường độ minh bạch của thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam.
Ông Trương Thái Đạt thì cho rằng, khi xem xét về P/E vào thời điểm đáy của thị trường chỉ ở mức khoảng 11 lần. Nếu so sánh trong quá khứ của thị trường Việt Nam thì đây là mức P/E rất rẻ và hấp dẫn, kể cả trong trường hợp mức chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều so với thời điểm 2020-2021.
Lý do khác là những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc nâng cấp từ hệ thống T+3 lên hệ thống T+2 như hiện tại và những tiêu chí để giúp nâng hạng của thị trường trong thời gian tới.
Nhận định thị trường thời gian tới, ông Trương Thái Đạt cho rằng, sự rung lắc mạnh trong thời gian vừa qua ở khu vực 1.200 điểm là những thời điểm có mức giảm mạnh nhất của thị trường Việt Nam. Kể từ thời điểm hiện tại, trừ khi bối cảnh về mặt vĩ mô, về mặt chính sách của thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ không có quá nhiều điều bất ngờ thì thị trường sẽ có bức tranh lạc quan hơn rất nhiều và khu vực 1.200 điểm đến vùng 1.250 điểm sẽ là khu vực hỗ trợ mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán có lẽ đã qua và bức tranh cho những tháng cuối năm sẽ trở nên lạc quan và tươi sáng hơn, vẫn có sự tăng trưởng và phục hồi bền vững.
Với trường phái đầu tư giá trị vẫn nên tiếp tục đặt sự tin tưởng vào những cổ phiếu đầu ngành, những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đặc thù ít chịu sự ảnh hưởng của các tác động ở bên ngoài và những doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ trong bối cảnh lãi suất đang tăng, có định mức định giá hấp dẫn và có độ rủi ro giảm giá thấp.
Với trường phái đầu tư tăng trưởng, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu, những doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận trong thời gian tới. Dự báo có ba nhóm doanh nghiệp sẽ có mức tăng trưởng vượt trội trong 12 tháng tới, gồm: nhóm cổ phiếu liên quan đến giải ngân đầu tư công; nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp; nhóm cổ phiếu liên quan đến sự phục hồi của dịch vụ.
Ông Đạt cho rằng, chiến lược đầu tư tùy thuộc vào ưu tiên của nhà đầu tư là giao dịch ngắn hạn hay giao dịch dài hạn. Về giao dịch ngắn hạn, khi quan sát sự cải thiện của dòng tiền thời gian gần đây cũng như sự vững chắc của chỉ số ở xung quanh vùng 1.150 điểm cho đến vùng 1.200 điểm thì việc tham gia giải ngân trong giai đoạn hiện tại là một phương án hợp lý. Tuy nhiên, sẽ phải ưu tiên trong việc quản trị rủi ro, xem xét cổ phiếu đã tăng bao nhiêu % từ khu vực đáy.
Đối với chiến lược đầu tư dài hạn, nên quan sát những cổ phiếu có mức chiết khấu sâu do yếu tố chu kỳ và về hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể không bị ảnh hưởng nhiều, chẳng hạn như nhóm ngành ngân hàng hay những cổ phiếu bán lẻ, điện, nước, công nghệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận