Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Không thể chậm hơn!
Công cuộc thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước đang chờ đợi một sự khởi sắc vào nửa cuối năm 2020.
Thủ tướng phê duyệt danh mục thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, hiện đang nhiều chậm trễ.
Trong đó, 120 doanh nghiệp có vốn Nhà nước do các bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm thoái vốn như LLM, DVN, HNE… 4 doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng phải thực hiện thoái vốn trước ngày 30.11.2020 nếu không thì chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước 31.12.2020.
14 doanh nghiệp chuyển giao về SCIC trước ngày 31.8.2020 như VVN, SAB, SJG… 18 doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ cần được xây dựng phương án thoái vốn riêng, tiêu biểu như PLX, HVN, VGC...
Ngoài ra, danh sách còn bao gồm 69 doanh nghiệp có vốn nhà nước dừng thoái vốn trong năm 2020 để chuyển sang giai đoạn từ 2021-2025.
Nguồn: SCIC, KBSV, NCĐT.
Nhóm các doanh nghiệp còn lại không được liệt kê trong quyết định này sẽ thực hiện thoái vốn theo phương pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá khả năng hoàn thành thoái vốn theo danh mục trên là không cao, dù có thể kỳ vọng 1 số thương vụ lớn diễn ra nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Nhìn lại các giai đoạn hoạt động thoái vốn diễn ra sôi động trong quá khứ, có thể thấy có 2 yếu tố chính quyết định sự thành công trong việc tiến hành thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ở mỗi giai đoạn là: 1) quyết tâm của Chính phủ; 2) điều kiện thuận lợi của thị trường.
Đối với yếu tố đầu tiên, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định Chính phủ đang có quyết tâm cao trong việc đẩy nhanh tiến trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong năm nay do: 1) năm nay là năm cuối của kế hoạch thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 và khối lượng công việc thực hiện cách xa mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, ngân sách dự kiến sẽ bội chi đáng kể trong năm nay do nguồn thu từ thuế bị giảm mạnh do kinh tế gặp khó khăn và Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ giãn và hoãn các loại thuế phí lên tới 180 nghìn tỉ đồng; trong khi chi ngân sách lớn bởi kế hoạch giải ngân đầu tư “khổng lồ” 700 nghìn tỉ đồng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với yếu tố thứ hai, để việc thoái vốn diễn ra thuận lợi với giá bán đạt mục tiêu đề ra, thị trường chứng khoán cần tăng trưởng lên nền giá cao (tương tự giai đoạn 2017- đầu 2018), với thanh khoản đủ lớn, cùng sự tham gia của dòng vốn ngoại để hỗ trợ khả năng hấp thụ của nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh vĩ mô trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong 6 tháng cuối năm, KBSV không đánh giá cao kịch bản này.
Mặc dù khả năng hoàn thành thoái vốn theo danh mục này là không cao, KBSV cho rằng thị trường vẫn có thể kỳ vọng 1 số thương vụ thoái vốn lớn có ảnh hưởng đến thị trường diễn ra trong nửa cuối năm như ở SJS, SAB hay VGC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận