Thị trường có thể điều chỉnh sâu và cần thời gian để tích lũy trở lại
Thị trường đã có nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái ‘mua quá.’ Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư nên giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo, hạn chế ‘mua đuổi’ nhóm cổ phiếu đã tăng nóng.
Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng tích cực trong tuần qua. Theo đó, VN-Index có tuần thứ tư đi lên liên tiếp với thanh khoản gia tăng mạnh.
Rung lắc tại khu vực VN-Index 1.200 điểm
Trên thị trường, VN-Index duy trì nhịp tăng trong 3 phiên đầu tuần. Sau đó, thị trường rung lắc mạnh ở vùng tâm lý VN-Index 1.200 điểm và phục hồi tốt ở vùng giá quanh 1.190 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số lên mức 1.207,67 điểm, tăng mạnh 1,84% so với tuần trước. Trên đà đó, VN30 tăng 2,18% và lên mức 1.212.45 điểm đồng thời HNX-Index tăng 1,09% và đóng cửa tại 237,54 điểm.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng điểm nhờ những tín hiệu phục hồi trong kết quả kinh doanh quý 2 tại một số doanh nghiệp niêm yết và một vài thông tin tích cực liên quan tới cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, FED tiếp tục nâng lãi suất sau một tháng tạm dừng đúng như kỳ vọng của thị trường. Điều này cho thấy họ vẫn đang quan tâm đến rủi ro lạm phát đồng thời để ngỏ khả năng về đợt lần tăng lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch FED đã cho biết các nhà kinh tế học không còn dự báo về viễn cảnh suy thoái, tạo kỳ vọng về kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế này.
Ông Hinh cho rằng các yếu tố trên kết hợp với sự hưng phấn của nhà đầu tư sau những tuần tăng giá liên tiếp đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Mặc dù, thị trường đã bắt đầu xuất hiện những phiên rung lắc mạnh.
Báo cáo của VNDIRECT ghi nhận diễn biến thị trường trong tuần, nhóm ngành bất động sản khởi sắc với các cổ phiếu tiêu biểu, như NVL (tăng 21,1%), DXG (tăng 15,2%) và NLG (tăng 3,0%) tăng điểm ấn tượng.
Tại nhóm vốn hóa lớn, mã VCB (tăng 4,6%) là động lực chính dẫn dắt VN-Index, kế đến là VNM (tăng 5,3%), NVL (tăng 21,1%), TCB (tăng 4,6%) và VPB (tăng 3,3%).
Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 23.508 tỷ đồng (tăng 15,5% so với tuần trước). Tuần này, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 792 tỷ đồng trên sàn H-SE (giảm 31,3%). Cùng lúc đó, khối ngoại mua ròng 54 tỷ đồng (giảm 72,5%) trên sàn HNX.
Bước vào “mua quá”
Ở thời điểm hiện tại, ông Hinh cho rằng thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái “mua quá.” Do đó, ông Hinh khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo và hạn chế mua đuổi các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng, như chứng khoán, bất động sản…
Tuy nhiên, ông Hinh cũng nhấn mạnh các nhà đầu tư không nên quá vội vàng bán ra, nếu thị trường và cổ phiếu chưa mất xu hướng.
“Khi thị trường chứng khoán bắt đầu ghi nhận các phiên giao dịch ‘phân phối’ xảy ra với đặc điểm là thanh khoản cao, VN-Index giảm hơn 10 điểm khi đóng cửa, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời để có thể bảo toàn lợi nhuận. Với các phiên ‘phân phối’ này, thị trường có thể không điều chỉnh sâu nhưng sẽ cần thời gian tương đối để tích lũy trở lại để chinh phục các mốc cao hơn. Vì vậy, việc chốt lời bảo toàn lợi nhuận để tìm các điểm mua hợp lý sẽ là hành động tối ưu,” ông Hinh chia sẻ.
Về điều này, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho rằng ở khu vực VN-Index hiện tại sẽ không đối diện với ngưỡng cản thực sự rõ ràng. Nhưng, thị trường có thể hình thành các vùng điều chỉnh trong quá trình tăng điểm như những diễn biến trong thời gian qua.
Về phân tích cơ bản, theo ông Thành việc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn giao dịch là những nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý trong việc tăng cường sự minh bạch, công khai và tạo thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, kênh huy động vốn này sẽ cần thêm nhiều thời gian để ổn định và phát triển trở lại. Hơn nữa, trong giai đoạn nửa cuối của năm, thị trường sẽ phải “thẩm thấu” 158.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó 51% (80.952 tỷ đồng) thuộc nhóm bất động sản.
Mặt khác, theo dữ liệu từ báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Fiingroup, tính đến ngày 27/7, toàn thị trường ghi nhận 683 công ty niêm yết (đại diện 55% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm. Mặc dù, 82% doanh nghiệp công bố có lãi trong quý 2, tuy nhiên 47% số doanh nghiệp trong đó cho biết có mức lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2022 và tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 2 của toàn bộ 683 công ty này đã giảm 16,9% so với cùng kỳ.
Do vậy, ông Thành đánh giá thị trường chứng khoán trong ngắn hạn khả năng tiếp tục bứt phá, nhưng sau đó sẽ đối diện với các nhịp rung lắc. Vì vậy, các nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng và ưu tiên giải ngân trong các nhịp điều chỉnh. Trong trung và dài hạn, ông Thành cho rằng thị trường đã hình thành xu thế đi lên với mục tiêu VN-Index hướng tới khu vực 1.300 điểm.
“Nếu tuân thủ chiến lược giải ngân, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hướng lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay,” ông Thành chia sẻ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận