Thị trường chứng khoán Việt Nam thường tăng điểm trong tháng 7
Số liệu thống kê trong 5 năm gần nhất, phần lớn thị trường chứng khoán Việt Nam đều tăng điểm trong tháng 7.
Số liệu thống kê từ Fiinpro trong giai đoạn 2015-2020, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có những diễn biến tích cực trong tháng 7. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam thường phản ứng tích cực vào tháng 7, trong bối cảnh báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 của các doanh nghiệp được công bố. Tuy nhiên, năm 2020 đại dịch COVID-19 đã phá vỡ chuỗi tăng điểm đó.
Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM, một trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự thận trọng đối với thị trường là có cơ sở, khi mức độ dịch bệnh lần này nghiêm trọng và cao nhất từ trước đến nay.
VDSC cho rằng thị trường chứng khoán tháng 7 sẽ trong trạng thái tích lũy và kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.370-1.470 điểm.
Theo VDSC, dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục nâng đỡ thị trường trong thời gian tới. Với giả định mỗi nhà đầu tư chỉ mở 1 tài khoản chứng khoán thì với 96 triệu dân như hiện tại, số lượng người dân tham gia vào thị trường chứng khoán hiện nay chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 3,48% và thấp hơn đáng kể so với các thị trường lân cận.
Số liệu từ VDSC, tỉ lệ này ở Thái Lan dao động từ 25-30%; ở Singapore là 32% và ở Malaysia 18%. Trong suốt 1 năm qua trong giai đoạn dịch bệnh, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân vào khoảng 43.400 tỉ đồng và chiếm nhỏ hơn 1% trong tổng số tiền gửi cư dân tính đến tháng 4.2021. Do đó, VDSC cho rằng sự gia tăng các nhà đầu tư mới vẫn còn rất nhiều dư địa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, VDSC đánh giá tâm lý của nhà đầu tư có thể được cải thiện khi hệ thống giao dịch mới của FPT chính thức được đưa vào vận hành tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Hệ thống này đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày (năng lực lớn hơn 3-5 lần so với hệ thống hiện tại) và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Từ đó, VDSC kì vọng tâm lý của nhà đầu tư sẽ cải thiện hơn so với giai đoạn trước đây khi hiện tượng nghẽn lệnh liên tục xảy ra.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho biết họ vẫn lo ngại ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19 thứ 4 lên đà phục hồi của tăng trưởng EPS trong năm 2021 của các doanh nghiệp. Mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 đang đến gần, và VDSC cho rằng luồng thông tin này vẫn sẽ là câu chuyện hấp dẫn trong tháng 7.
Thời gian qua, không ít cổ phiếu vốn hóa lớn đã có đà tăng giá rất mạnh kể từ cuối quý I/2021 trước những dự báo về tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý II/2021 (như các cổ phiếu ngân hàng, thép, công nghệ thông tin). Trong khi đó, VDSC đánh giá nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa dường như vẫn chưa có mức tăng trưởng tương xứng với kết quả kinh doanh vốn cũng được dự báo khả quan.
Điều này phần nào được thể hiện qua chỉ số P/E 2021F của VN70 vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với P/E 2021F của VN30, sau khi diễn biến khá tương đồng trong khoảng từ tháng 2 tới cuối tháng 4.2021. Do đó, VDSC kỳ vọng các cổ phiếu vốn hóa vừa có kết quả kinh doanh quý II/2021 được dự báo có tính đột biến cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn của thị trường trong tháng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận