Thị trường chứng khoán đã tạo đáy?
Thị trường chứng khoán (TTCK) dự báo sẽ ổn định từ giữa tháng 5/2024 nhưng đi ngang và kéo dài chứ không phục hồi mạnh ngay.
Với dòng tiền đã đổ vào thị trường trong quý I/2024, tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ đạt khoảng 1.380 tại cuối quý III năm nay.
Trong giai đoạn này, thị trường sẽ lên xuống liên tục nhưng chưa phải là giai đoạn có thể tăng điểm nhanh.
Lên xuống liên tục
Trong tháng 3/2024, chúng ta đã nói đến một số tín hiệu từ cuối tháng 2, kéo dài trong khoảng 2 tháng, từ một nhóm ngành sẽ chuyển sang phân hóa, ví dụ như là ngành ngân hàng. Sự phân hóa từ từ cho tới cuối tháng 3 và qua tháng 4 thì lực bán tăng lên. Nhắc lại điều này để thấy nhà đầu tư có thể dùng các tín hiệu này đón nhịp sóng mới của thị trường. Chúng ta cũng phải biết được là trước đây, tín hiệu nào đã làm cho chúng ta nhận diện thị trường điều chỉnh, thì bây giờ tín hiệu nào sẽ giúp cho chúng ta thấy được thị trường sẽ sẵn sàng quay lại.
Thị trường thường điều chỉnh mạnh trong khoảng hai tuần và sau đó sẽ bắt đầu đi ngang. Theo đó, thị trường sẽ ổn định từ giữa tháng 5/2024 nhưng sẽ phải kéo dài mức độ đi ngang, chứ không phải hồi phục nhanh được, cho tới cuối tháng 6 chúng ta có thể sẽ vào một nhịp mới.
Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán sẽ cứ lên xuống liên tục để cho các nhà đầu tư giao dịch qua lại với nhau nhưng chưa phải là giai đoạn có thể tăng điểm nhanh.
>>> Tương quan giữa nới lỏng tiền tệ và VN-Index
Quay lại thị trường tháng qua, sử dụng hệ thống phân tích khớp lệnh, chúng tôi nhận thấy toàn bộ các lực mua chủ động của thị trường trong khoảng thời gian dài từ cuối tháng 3 đều giảm hết và ít có phiên nào lực cầu mạnh trồi lên, trong khi các cái lực cầu nhỏ nằm ở giá thấp thì vẫn trồi lên nhưng chỉ là những giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Phần lớn các cấu trúc lệnh đều bán.
Điều chỉnh và phục hồi
Theo dữ liệu ghi nhận, đường trung bình lệnh bán và trung bình lệnh mua từ 29 tháng 3 cho tới ngày 4 và 5 tháng 4/2024 cho thấy lực bán bắt đầu trội lên rất mạnh. Đây là những dấu hiệu bắt buộc chúng ta cần phải hết sức lưu ý. Lúc này, VN-Index và điểm số chưa tác động nhiều nhưng với các tín hiệu cảnh báo này, chúng tôi cùng các nhà đầu tư đã bật “chế độ” cảnh báo cao.
Ở một giai đoạn khác, phiên 15/4, từ vùng cảnh báo trên, các tín hiệu phân phối mạnh đã mạnh lên. Xét về mặt vùng điểm số, VN-Index ở 1.214 -1.216 điểm trở thành một vùng bắt đầu giao tranh giữa nhịp điều chỉnh và nhịp hồi sắp tới.
Tuy nhiên, cấu trúc của thị trường không phải chỉ là VN-Index, không chỉ là điểm số, mà có thời điểm kéo VN-Index lên và cũng có thời điểm bán xuống. Nhà đầu tư cũng sẽ bị “quăng quật”, do đó, nếu chỉ phân tích VN-Index thì có thể bị nhiễu, chẳng hạn như thị trường có thể về tới 1.205 - 1.208, nhưng các cổ phiếu vẫn còn đang giảm sâu. Đây là một điểm nhà đầu tư phải hết sức lưu ý.
Có một “mẹo” để nhà đầu tư có thể so sánh giá cổ phiếu hiện tại có ổn hay không, hay có thể hồi phục sớm hay không, đó là cần so sánh giá cổ phiếu hiện tại với ngày 17/04, ngày mà thị trường đã có một nhịp rơi mạnh và VN-Index mất hơn 22 điểm- đây là phiên lực bán củng cố. Khi so sánh với mốc này, nhà đầu tư có thể tìm cổ phiếu, đánh giá sức mạnh cổ phiếu trong danh mục của mình.
VN-Index vẫn đang điều chỉnh, củng cố. (Biểu đồ: Diễn biến VN-Index quý 1/2024)
Thị trường đã xuống đáy hay chưa?
Ghi nhận và phân tích dữ liệu hệ thống cho thấy, thị trường hiện chưa đủ dữ liệu để xác nhận đã về vùng đáy, bởi khi bán ra, thời gian còn quá ngắn để nhà đầu tư quay trở lại gom vào. Một yếu tố có thể thúc đẩy dòng tiền gom vào nhanh, thì tốc độ giao dịch phải nhanh. Tuy nhiên ở đây, tốc độ giao dịch đang chậm, có nghĩa dấu hiệu tạo đáy, “lòng tham” ôm hàng chưa có. Theo đó, cần phải chờ đợi thêm.
Dù vậy, tại thời điểm hiện nay, nhà đầu tư đã có thể giải ngân từ từ với những cổ phiếu mà mình ưa thích và có sự hiểu biết về nó. Bởi khi cổ phiếu về vùng giá hợp lý mà chúng ta không mua thì khi nó tăng lên, tâm lý chung sẽ là không mua luôn. Nếu ở trong trạng thái mua hợp lý, danh mục sẽ an toàn hơn.
Dấu hiệu thị trường tạo đáy sẽ xuất hiện ở một phiên điều chỉnh, lực bán mạnh như tỷ lệ hấp thụ cao - thanh khoản cao. Các dữ liệu có thể đo lường như: Mức độ lan tỏa đạt khoảng 41%; lực mua đạt hơn 52%; tốc độ giao dịch theo dữ liệu ở khoảng hơn 3,5 triệu cổ phiếu/phút; cùng với đó dấu hiệu xác nhận thị trường hồi phục. Khi đó, lực bán giảm, cầu nhẹ nhưng VN-Index sẽ tăng lên rất nhanh. Và lúc đó thị trường có dấu hiệu chính thức hồi phục.
*NGUYỄN THANH NGUYÊN VŨ - Chuyên gia phân tích dữ liệu đầu tư chứng khoán, Nhà sáng lập TVN & Partners
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận