Thị trường 24h: Cú rơi không bất ngờ
VN-Index điều chỉnh khá mạnh về gần 1.300 điểm; Agribank sốt ruột chờ cổ phần hóa; Kinh ngạc tốc độ tăng giá của cổ phiếu thép và ngân hàng; Ảnh hưởng của lạm phát tới chứng khoán: Mối lo nhỏ, niềm tin lớn; Cổ phiếu xi măng ngược chiều sóng tăng giá vật liệu; Chứng khoán châu Á biến động nhẹ; Trung Quốc và cuộc chiến ngăn chặn bong bóng trên thị trường tài chính… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/5 giảm 120.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 110.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,14 – 56,56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 2 USD xuống 1.896,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vượt lên trên 1.900 USD/ounce, nhưng đã giảm về gần 1.895 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,02% xuống 90,02 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.137 đồng, giảm 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.940 - 23.140 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,61 USD (-0,92%), xuống 65,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,58 USD (-0,58%), xuống 68,29 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau khi cố gắng giữ trên 40.000 USD trong ngày hôm qua, đã điều chỉnh về gần 37.000 USD, trước khi hồi dần lên trên 39.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều hôm nay.
Chứng khoán trong nước
Sau 6 phiên tăng gần 65 điểm, VN-Index điều chỉnh
Cú đạp mạnh cuối phiên sáng và thanh khoản tăng vọt, cũng như thị trường đã tăng liên tiếp 6 phiên với điểm số cộng thêm 65 điểm càng khiến nhiều nhà đầu tư quyết tâm hơn trong việc xả hàng chốt lời trong phiên chiều.
Lệnh bán ồ ạt được tung vào khiến VN-Index về sát 1.300 điểm và nghẽn lệnh sau đó khiến chỉ số gần như chỉ đi ngang quanh mức giá này cho đến khi đóng cửa.
Các bluechip giảm sâu có TCH -3,9%, SSI -3,3%, MSN -3,2%, PLX -2,5%, GAS -2,2%. Ở nhóm ngân hàng, ba mã BID, MBB và TCB đều giảm 2,7%, còn CTG -2,5%, HDB -2,4%, TPB -2,4%.
Tích cực nhất là KDH +5,1%, PDR +4,6% và các mã ngân hàng top sau như EIB +7%, LPB+3,1%, MSB +1,8%.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/5) với mức tăng khiêm tốn khi những phát biểu gần đây từ các quan chức Fed giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát tăng cao và giữ lợi suất trái phiếu trong tầm kiểm soát.
Các cổ phiếu như công nghệ như Tesla và Alphabet, vốn gặp khó khăn trong những tuần gần đây khi lợi suất trái phiếu tăng do lo ngại lạm phát, khởi sắc trong phiên khi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ ổn định dưới mức 1,6%.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây, và việc gia hạn các biện pháp khẩn cấp ngừa Covid-19 có thể làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong nước.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,33% xuống 28.549,01 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,5% xuống 1.911,02 điểm.
Nhật Bản, quốc gia dự kiến đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020 đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike hôm nay đã tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp trong "khoảng một tháng nữa", trong khi ở phía tây Osaka ở cũng đưa ra yêu cầu tương tự.
Các nhà sản xuất thép và vận tải dẫn đầu đà giảm với chỉ số phụ theo dõi lần lượt giảm 2,6% và 2,3%, trong khi vận tải hàng không tăng mạnh nhất, vọt tăng 2,3%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi dữ liệu công nghiệp lùi bước đã giúp giảm bớt lo lắng về việc thắt chặt chính sách, trong khi một số dấu hiệu tích cực về quan hệ Trung-Mỹ cũng thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,43% lên 3.608,85 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,33% lên 5.338,23 điểm.
Dữ liệu cho thấy thu nhập tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc có tốc độ tăng chậm lại trong tháng 4, do giá hàng hóa tăng cao và hoạt động yếu đi ở nhóm ngành tiêu dùng.
Trong một diễn biến mới, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí rằng sự phát triển của thương mại song phương là rất quan trọng, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, chịu áp lực bởi áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,18% xuống 29,113,20. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,07% xuống 10.848,35 điểm.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp tăng 3,2%, sau khi báo cáo doanh thu quý đầu tiên trong năm tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, lo ngại rằng ngân hàng trung ương sắp xem xét cắt giảm các biện kích thích khẩn cấp.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,08% xuống 3.165,84 điểm.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã nâng triển vọng kinh tế và dự báo lạm phát tiêu dùng cao, báo hiệu một xu hướng cuối cùng sẽ là theo hướng thắt chặt để chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục trong thời đại đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận