Thanh khoản "gõ cửa" các ngân hàng
Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng được nhận định gặp nhiều áp lực, một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch âm kéo dài giữa huy động - tín dụng trong hệ thống tạo áp lực lên khả năng sử dụng nguồn huy động vốn của ngân hàng.
1. Tháng 10 - tăng lãi suất
Các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất giữ chân khách hàng:
- Ngày 8/10, SCB công bố mức lãi suất huy động cao nhất là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng và một số kỳ hạn tăng khoảng 1%/năm so với trước đó.
- AB Bank triển khai chương trình lãi suất mới áp dụng từ 10/10 đến 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm sẽ được hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
- VP Bank lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng cũng đã được điều chỉnh tăng lên 7,2 - 8%/năm, tùy giá trị tiền gửi.
- Tại Techcombank, với những khoản tiền gửi mở mới online và tự động quay vòng, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm.
- Sacombank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng. Các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên có lãi suất tăng khoảng 0,5%/năm so với trước.
Ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ngày 22/9, tất cả các ngân hàng thương mại trên thị trường lập tức điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,8 - 1,1%/năm, trong đó có nhiều ngân hàng chạm trần 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Nguyên nhân được cho là do chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang trạng thái thắt chặt, với mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Một mặt, Ngân hàng Nhà nước điều tiết cung tiền thắt chặt hơn với mức hút ròng khoảng 260.000 - 280.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ. Mặt khác, trong giai đoạn cuối quý III, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành bao gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường mở (OMO).
Cân đối huy động vốn - tín dụng tiếp tục xu hướng thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/9 đạt 10,96%, cao hơn 6% so với tăng trưởng huy động vốn.
2. Điểm nóng là thanh khoản
Những diễn biến nhanh, khó lường của môi trường quốc tế (như rủi ro địa chính trị, xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, hay nguy cơ suy thoái của một số nền kinh tế trên thế giới) và môi trường trong nước, đặc biệt là áp lực lạm phát, tỷ giá sẽ tiếp tục định hình xu hướng thắt chặt xuyên suốt của chính sách tiền tệ trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Thanh khoản căng thẳng đã và đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân trước hết đến từ áp lực tỷ giá khi đồng USD liên tục tăng giá và phá đỉnh 20 năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất là đến năm sau. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành và hút nội tệ về để cân bằng tỷ giá, trong bối cảnh công cụ dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào.
Tuy nhiên, rủi ro lên thanh khoản hệ thống ngân hàng là không lớn và điều này được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân như:
+ Thứ nhất, những nỗ lực chống “đô la hóa” nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt của các cơ quan quản lý trong thời gian dài trước đó đã mang lại hiệu quả đáng kể.
+ Thứ hai, vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều.
Hiện có gần 20 ngân hàng thương mại, chiếm đa số trong hệ thống, đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó, 6 ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột. Bên cạnh đó, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được giảm từ 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 và sẽ tiếp tục xuống mức 30% từ ngày 1/10/2023.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận