Thăng hạng về vốn, TPBank nắm lợi thế tăng trưởng vượt trội
Tăng vốn, TPBank đã cải thiện mạnh mẽ đệm dự phòng, nâng cao khả năng thanh khoản, trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên đạt chuẩn Basel III, mở ra tiềm năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Basel III - “giấy chứng nhận” sức khỏe vốn và thanh khoản
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tạo tiếng vang khi trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III. Theo các chuyên gia ngân hàng, Basel III đưa ra các quy định rất khắt khe về vốn, thanh khoản và quản trị rủi ro với các yêu cầu cao hơn so với Basel II, nhằm giúp các tổ chức tín dụng tăng khả năng chịu đựng trước các “cú sốc” của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết: “Khi tuân thủ Basel III, bên cạnh những lợi ích về sự uy tín, TPBank cũng phải “đánh đổi”. Chúng tôi phải chấp nhận có vốn dồi dào, nguồn vốn phải cao hơn. Đó cũng là cam kết của TPBank trong việc đưa ngân hàng hoạt động ổn định và hiệu quả hơn”.
Để đáp ứng Basel III, TPBank đã có sự chuẩn bị trước về vốn. Quý III/2021, TPBank phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, đạt 11.716 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của TPBank cũng tăng mạnh, từ 13.000 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 26.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Mới đây, ngân hàng lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn đợt 2 năm 2021 bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%. Sau khi hoàn tất, TPBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 4.100 tỷ đồng, đạt mức 15.817 tỷ đồng.
Liên tục cải thiện “độ dày” vốn và thanh khoản giúp TPBank tiếp tục giữ vững tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản theo yêu cầu của Basel III, đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng dài hạn. Theo đánh giá của các chuyên gia, củng cố nền tảng vốn là cách tốt để các ngân hàng nâng cao hệ số an toàn vốn, từ đó nâng cao sức chịu đựng trong những tình huống căng thẳng.
Tính đến cuối quý III, hệ số an toàn vốn (CAR) của TPBank đạt 13,43%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. “Vốn dồi dào là cách để chúng tôi chuẩn bị tăng tốc trong tương lai”, ông Hưng khẳng định.
Cơ hội tăng tốc cho TPBank
Với TPBank, từ khi chưa hoàn thành các yêu cầu Basel III, ngân hàng này đã nằm trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất. Tuy vậy, TPBank vẫn tiên phong áp dụng Basel III để phục vụ chiến lược đường dài.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng, việc tuân thủ Basel III với các ngân hàng thương mại là rất khó. Song, nếu đạt được, các ngân hàng sẽ tạo được uy tín, thương hiệu tốt, tạo niềm tin cho cả Ngân hàng Nhà nước, khách hàng và cả nhà đầu tư; từ đó tăng khả năng cạnh tranh. Không những thế, tuân thủ Basel III còn giúp ngân hàng thăng hạng về xếp hạng tín nhiệm, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ và dồi dào trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ tại sự kiện công bố hoàn thành tuân thủ Basel III của TPBank, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc vùng tại Việt Nam, Lào, Campuchia IFC cho biết: “Tôi vui mừng khi nhận thấy các ngân hàng Việt Nam không ngừng nỗ lực củng cố nền tảng lành mạnh và khả năng chống chịu, như cách mà TPBank đang triển khai, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III - một việc hết sức cần thiết và đúng lúc”.
Việc sở hữu “đệm dày” về an toàn vốn và thanh khoản, cộng thêm cơ hội huy động thêm nguồn vốn rẻ từ nước ngoài hứa hẹn giúp TPBank mở rộng quy mô, thị phần, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trung và dài hạn, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng, có thể đầu tư vào các lĩnh vực mới để cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị yêu cầu ngân hàng phải đưa ra chiến lược sử dụng vốn và kinh doanh hiệu quả hơn, từ đó tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Dù thách thức để triển khai Basel III không nhỏ, nhưng đây là xu hướng tất yếu để TPBank phát triển hơn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận