Techcombank bất ngờ “bơm” 150 tỷ đồng cho tỷ phú Đăng Quang buôn gà
Khoản tín dụng "khủng" này được bảo lãnh bởi Masan Meatlife, công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, hiện sở hữu 51% vốn tại 3F Việt.
Tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) cho biết, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, TCB) - tỷ phú Hồ Hùng Anh - vừa ký ban hành nghị quyết HĐQT ngân hàng thông qua việc cấp khoản tín dụng 150 tỷ đồng.
Theo đó, khoản tín dụng được TCB cấp cho công ty CP 3F Việt và công ty CP Masan Meatlife (MML) - là người có liên quan với cổ đông lớn của Techcombank là CTCP Tập đoàn Masan. Trong thời gian 12 tháng thực hiện giao kết này, Masan Meatlife cam kết bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không huỷ ngang cho toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của 3F Việt tại Techcombank.
Trong khi đó, Masan Meatlife là công ty thành viên của công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT.
Vào ngày 3/10/2020, bằng việc rót 613 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn điều lệ tại công ty 3F Việt, Masan Meatlife đã chính thức thâu tóm 3F Việt và lộ diện tham vọng "lấn sân" sang thị trường thịt gia cầm.
Thời điểm đó, ông Phạm Trung Lâm - Tổng Giám đốc Masan Meatlife cho biết: “Việc MML bước vào thị trường thịt gia cầm thông qua khoản đầu tư vào 3F Việt là các bước đi chiến lược hướng đến tầm nhìn chuyển đổi MML thành một công ty hàng tiêu dùng thực thụ. MML kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng những giá trị đột phá, cung cấp sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng, giá cả hợp lý và truy xuất được nguồn gốc cho mỗi và mọi người tiêu dùng Việt Nam”.
Trong một động thái liên quan, hồi tháng 5/2021, tờ Bloomberg đưa tin, Masan Group muốn huy động 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp đang cân nhắc phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Hiện tại, Masan Meatlife có "room" ngoại tối đa 100%.
Theo dữ liệu của Bloomberg, nếu thành công thì thương vụ trị giá 1 tỷ USD này sẽ là thương vụ lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2017, sau khiSabeco được bán cho tập đoàn của Thái Lan với giá 4,4 tỷ USD.
Tập đoàn Masan do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thành lập vào năm 1996, có trụ sở tại TP.HCM nổi tiếng. Đây là tập đoàn hàng tiêu dùng nổi tiếng với một số nhãn hàng "buộc phải có" trong mọi gian bếp của người Việt như nước mắm, nước tương, tương ớt Chin-Su, nước mắm Nam Ngư.
Ngoài ra, Công ty còn kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, khai thác mỏ, ngân hàng.
Trong cơ cấu cổ đông của Techcombank, tập đoàn Masan đang đóng vai trò là cổ đông lớn với tỉ lệ nắm giữ 15% vốn điều lệ. Với tư cách cá nhân, người ta thấy bộ ba Hồ Hùng Anh - Nguyễn Đăng Quang - Nguyển Cảnh Sơn (Chủ tịch tập đoàn TM Trans) có mặt ở cả 3 doanh nghiệp: Masan, Techcombank và TM Trans.
Kết thúc quý 1/2021, Masan Meatlife đạt doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận thuần sau thuế đạt 146 tỷ đồng, tăng tới 946% so với quý 1/2020. Năm 2020, DN đạt doanh thu thuần hơn 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 492 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 33% so với năm 2019.
Tuy con số tăng trưởng là dương song do đầu tư quá lớn với 3 công ty con sở hữu trực tiếp, 17 công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết, kết thúc năm 2020, mảng thịt của MML vẫn lỗ tới 300 tỷ đồng.
So sánh với một doanh nghiệp cùng ngành là tập đoàn Dabaco (Bắc Ninh) thì DN của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mặc dù có quy mô lớn hơn (vốn điều lệ lên tới 3.267 tỷ đồng) song hiệu quả kinh doanh của Masan Meatlife thua xa Dabaco. Vốn điều lệ của Dabaco hơn 1.040 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế năm 2020 của tập đoàn này lên tới 1.400 tỷ, gấp hơn 3 lần của Masan Meatlife.
Cổ phiếu MML của Masan MeatLife hiện đang giao dịch ở mức 64.600 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 13/7/2021), tương ứng định giá DN khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 860 triệu USD.
Trước đó, vào năm 2017, một đối tác từng chi 150 triệu USD để mua 7,5% cổ phần của Masan MeatLife, tức định giá doanh nghiệp này lên đến 2 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận