menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Trà

Sự biến mất đầy tiếc nuối của những ngân hàng Việt đình đám một thời: Những cái tên vang bóng

Khách hàng lớn nhất mà Habubank đã cho vay là Vinashin với số vốn lên tới 2.745 tỷ đồng, thêm 600 tỷ đồng trái phiếu do tập đoàn phát hành mà ngân hàng mua, tổng cộng 3.345 tỷ đồng, bằng 83% vốn điều lệ.

Một số cái tên ngân hàng từng hoạt động mạnh như Nam Đô, Việt Hoa, Đại Nam, Habubank đã dần biến mất khỏi tâm trí người Việt bởi những sai lầm trong điều hành của nhóm chủ sở hữu hoặc hoạt động yếu kém phải sáp nhập vào các ngân hàng khác.

1. Ngân hàng TMCP Nam Đô

Ngân hàng TMCP Nam Đô có trụ sở tại TP.HCM, hoạt động mạnh vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998 lan rộng dẫn đến việc nhà băng này không thu hồi được nợ của doanh nghiệp vay vốn, lãnh đạo bị truy tố,... khiến Nam Đô dần biến mất khỏi thị trường.

Tình trạng “chết nhưng chưa được chôn” của Nam Đô từng được nhắc tới trong báo cáo tình hình quản trị của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) năm 2017. Cụ thể, Sacombank muốn bán hết hơn 5.000 cổ phiếu của Nam Đô.

Mặc dù số cổ phiếu Sacombank sở hữu tại ngân hàng Nam Đô cũng không nhiều chỉ có hơn 5.000 cổ phiếu, giá trị cũng thấp. Tuy nhiên suốt thời gian qua số cổ phiếu này vẫn bị treo trên sổ sách. Do vậy Sacombank muốn tìm biện pháp xử lý số cổ phiếu này.

Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn từng kể về những kỷ niệm khó quên trong quá trình tham gia xử lý đặc biệt Ngân hàng Nam Đô khi ông vẫn còn làm công tác pháp chế - chế độ tại Ngân hàng BIDV.

Theo đó, năm 1998, sau hàng loạt sai phạm trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng TMCP Nam Đô đã mất khả năng chi trả và bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cũng như ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có chủ trương giao BIDV tham gia kiểm soát và xử lý Ngân hàng TMCP Nam Đô nhằm xử lý êm, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tận thu nợ.

BIDV khi đó đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do ông Trần Bắc Hà, Giám đốc Chi nhánh Bình Định làm tổ trưởng. Tổ công tác có trách nhiệm đánh giá toàn bộ thực trạng Ngân hàng TMCP Nam Đô và đề xuất hướng xử lý.

2. Ngân hàng TMCP Việt Hoa

Sự biến mất đầy tiếc nuối của những ngân hàng Việt đình đám một thời: Những cái tên vang bóng
Ngân hàng TMCP Việt Hoa.

Ngân hàng Việt Hoa cùng thời với Ngân hàng Nam Đô. Những ký ức rõ nhất về ngân hàng Việt Hoa có lẽ là vụ án xảy ra tại ngân hàng này.

Giai đoạn1993-1997, bằng việc lập chứng từ khống, cho vay, rút tiền không cần tài sản thế chấp... ông Trần Tuấn Tài (Chủ tịch HĐQT), Trương Kiệt Tường, Nguyễn Văn Minh (2 Phó Tổng Giám đốc) cùng đồng phạm khác đã rút 1.500 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Việt Hoa và các doanh nghiệp cùng nhiều ngân hàng khác.

Vụ án được khởi tố từ năm 1997, với 75 bị can và đưa ra xét xử năm 2022. Cáo trạng cho thấy, để rút tiền của Việt Hoa, lãnh đạo ngân hàng cùng thuộc cấp dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 293 tỷ đồng và 84 triệu USD.

Ngoài ra, còn một số cái tên khác từng hoạt động mạnh trước năm 2000 nhưng nay đã dần biến mất khỏi tâm trí người Việt như: Ngân hàng TMCP Châu Á - Thái Bình Dương (đổi tên từ Ngân hàng Tân Việt), Ngân hàng TMCP Đại Nam.

3. Ficombank và Tín Nghĩa Bank

Ngày 1/1/2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chính thức đi vào hoạt động sau khi hợp nhất từ 3 ngân hàng: Ngân hàng SCB, Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (Tín Nghĩa Bank).

Trước khi hợp nhất, 3 ngân hàng trên lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản trầm trọng do sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản). Gặp khi thị trường biến động, nhất là khi nguồn vốn huy động ngắn hạn không còn dồi dào như trước, rủi ro thanh khoản xảy ra.

Trước tình hình này, HĐQT của 3 ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập với nhau thành một ngân hàng dưới sự bảo trợ của Ngân hàng BIDV và cần tới sự hỗ trợ của NHNN thông qua khoản vay tái cấp vốn.

4. Habubank sáp nhập vào SHB

Sự biến mất đầy tiếc nuối của những ngân hàng Việt đình đám một thời: Những cái tên vang bóng
Habubank sáp nhập vào SHB.

Ngày 7/8/2012, NHNN chính thức ký quyết định hoàn tất thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB). Sau ngày 28/8/2012, toàn bộ hoạt động của ngân hàng được vận hành dưới tên mới: Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Habubank ra đời vào năm 1989, sau hơn 20 năm phát triển, Habubank đã trở thành ngân hàng tên tuổi với gần một trăm chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Với những người Hà Nội, Habubank là một cái tên đọng lại nhiều ký ức bởi đây chính là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ra đời trong quá trình đổi mới. Trong tiềm thức của người dân Hà Nội, Habubank là ngân hàng đã sát cánh với nhiều người trong vấn đề tài chính cá nhân và gia đình.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá lại tài sản và các khoản dự phòng liên quan của Công ty Kiểm toán Ernst&Young thì Habubank chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng. Cái chết của Habubank được nhận định bằng cụm từ “do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn”, tập trung ở các lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất giấy, thuỷ sản. Chỉ với 50 khách hàng lớn đã chiếm tới 65% tổng nợ của Habubank.


Khách hàng lớn nhất mà Habubank đã cho vay là Vinashin với số vốn lên tới 2.745 tỷ đồng, thêm 600 tỷ đồng trái phiếu do tập đoàn phát hành mà ngân hàng mua, tổng cộng 3.345 tỷ đồng, bằng 83% vốn điều lệ.

5. Western Bank – PVFC

Western Bank, tiền thân là một ngân hàng từ nông thôn, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 320 tỷ đồng, đến 2011 thì lên đến 3.000 tỷ đồng. Quá trình hoạt động của ngân hàng này gắn với đại gia Đặng Thành Tâm.

Việc gặp khó khăn trong quản trị và kiểm soát rủi ro, cộng với một tỷ lệ rất lớn tín dụng của nhà băng lại dành cho các doanh nghiệp sân sau, cổ đông nội bộ dẫn đến hệ quả là Western Bank sáp nhập vào Tổng Công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC) vào năm 2013. Trên cơ sở đó, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) ra đời với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

6. Đại Á Bank

Theo Quyết định của NHNN về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), MDB chính thức bị xóa tên trên thị trường kể từ 12/8/2015. Sau khi sáp nhập, thương hiệu Mê Kông Bank cũng hoàn toàn biến mất khỏi thị trường.

Trong vụ sáp nhập này, MaritimeBank phát hành thêm 375 triệu cổ phần để hoán đổi cổ phần cho MDB theo tỷ lệ 1:1. Như vậy. tất cả cổ đông của MDB trở thành cổ đông của MaritimeBank thông qua việc sở hữu hợp pháp cổ phần MaritimeBank.

Ngoài những ngân hàng kể trên, còn một số ngân hàng sau quá trình tự tái cơ cấu đã đổi sang một cái tên hoàn toàn mới. Trong đó, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) từ năm 2014; Ngân hàng TMCP Gia Định (Gia Dinh Bank) đổi tên thàn Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) vào năm 2011 sau khi quỹ đầu tư VietCapital của bà Nguyễn Thanh Phượng mua lại cổ phần; Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) được đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng vào năm 2012, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh mua lại cổ phần từ bà Hứa Thị Phấn. Những gì diễn ra sau đó gọi là lịch sử.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại