Soi "túi tiền" của các đại gia bất động sản thời khó
Quý III và 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản như Đất Xanh, Phát Đạt, Novaland đều có kết quả kinh doanh sụt giảm nhiều so với cùng kỳ, bên cạnh đó danh mục tiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm mạnh.
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) công bố báo cáo tài chính quý III/2023 ghi nhận danh mục tiền và các khoản tương đương tiền tính đến 30-9 có giá trị 643 tỉ đồng, giảm gần 30% so với cuối năm 2022. Trong đó, lượng tiền mặt là 10 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng 391 tỉ đồng và các khoản tương đương tiền là 242 tỉ đồng.
Ngoài ra, Đất Xanh đang có khoản tiền gửi kỳ hạn 116 tỉ đồng và đầu tư trái phiếu 27 tỉ đồng.
Nhờ đó ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính 368 tỉ đồng gồm: lãi vay, tiền gửi, lãi thanh lý đầu tư và thu nhập tài chính khác.
Kết quả 9 tháng đầu năm, Đất Xanh đạt doanh thu thuần 2.305 tỉ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế 149 tỉ đồng, giảm 84%.
Hiện Tập đoàn này đang có khoản nợ phải trả 16.222 tỉ đồng trong khi đó nguồn vốn chủ sở hữu 14.276 tỉ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho 14.788 tỉ đồng, tăng 750 tỉ đồng so với cuối năm 2022.
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) có danh mục tiền và các khoản tương đương tiền tính đến ngày 30-9 chỉ còn 52,58 tỉ đồng, giảm 80% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền mặt 59 triệu đồng và tiền gửi ngân hàng là 52,53 tỉ đồng.
Các khoản nợ khó đòi của Phát Đạt kéo dài từ năm 2022 đến nay vẫn chưa thu hồi được. Giá trị hàng tồn kho vẫn đi ngang so với năm trước, đạt 12.157 tỉ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 399 tỉ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần giảm 63%, ở mức 549 tỉ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland-mã chứng khoán: NVL) cho biết lượng tiền mặt đang nắm giữ đến cuối quý III là 4 tỉ đồng; tiền gửi ngân hàng 1.268 tỉ đồng và các khoản tương đương tiền 2.162 tỉ đồng. Tổng cộng, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền có trị giá khoảng 3.434 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Novaland có khoản tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất từ 4,2% đến 9,2%/năm khoảng 46 tỉ đồng và đầu tư trái phiếu 3,1 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này còn đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác và cho bên khác vay ngắn hạn không có tài sản đảm bảo với tổng số tiền 3.825 tỉ đồng.
Tính đến 30-9, NVL đang ghi nhận khoản nợ hơn 205 tỉ đồng trong khi đó vốn chủ sở hữu có 43 tỉ đồng.
Giải trình về việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ, các doanh nghiệp trên đều nói rằng nguyên nhân là do tình hình khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản.
Trong khi đó, dù không phải là một doanh nghiệp bất động sản quá lớn nhưng Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã chứng khoán CEO) lại gây chú ý khi tổng tài sản tính đến 30-9 lại tăng vọt 35% so với đầu năm, lên mức 9.536 tỉ đồng Nguyên nhân chủ yếu là do lượng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng mạnh từ hơn 68 tỉ đồng lên gần 2.616 tỉ đồng. Giá trị hàng tồn kho cũng tăng 11% lên 1.638 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Dù vậy, các chỉ tiêu kinh doanh cả tập đoàn này vẫn giảm như doanh thu 9 tháng đạt hơn 942 tỉ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỉ đồng, giảm 20%. Kết quả này tương đương 31% và 28% kế hoạch cả năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận