menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quan Sơn

SJC "một mình một chợ", làm sao khai thông 400 tấn vàng trong dân?

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh độc quyền, đẩy giá vàng tăng cao, Nhà nước nên cho các doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất vàng miếng.

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế. Từ đó đến nay, Nhà nước lấy thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia và hầu như không sản xuất thêm vàng miếng cũng như không cấp phép doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu, khiến nguồn cung vàng giảm, trong khi nhu cầu mua vàng miếng lại gia tăng.

SJC
Những năm qua, Nhà nước lấy thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia và hầu như không sản xuất thêm vàng miếng. (Ảnh minh họa).

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội), phân tích tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” rằng, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và vàng nguyên liệu, lấy thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia là không phù hợp. Với tâm lý tích trữ của người dân, cung vàng không có, trong khi cầu có thực, nên dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu, đẩy giá kim loại quý tăng cao.

SJC
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội) tại tọa đàm về thị trường vàng ngày 25/1. (Ảnh: VGP).

Theo ông Cường, đứng trước tình trạng đó, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Chắc chắn phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24/2012/NĐ-CP này. Cùng với đó, nên xem xét cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi cung được tự do, cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy dễ hơn và không còn tình trạng khan hiếm nữa.

Một giải pháp nữa là phải thành lập sàn giao dịch vàng và cho phép liên thông với thị trường vàng thế giới. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giữ ổn định và thu hẹp lại. Thị trường sẽ điều tiết giá vàng theo cơ chế cung cầu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, việc duy trì độc quyền SJC sẽ tạo sự chênh lệch rất lớn trong khi ở nước ngoài, ngân hàng Trung ương không trực tiếp quản lý vàng. Vì vậy, cần xem lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa.

Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt cũng phân tích, trong, trước và sau Nghị định 24, ở Việt Nam có hai loại chênh lệch giá vàng. Trước hết là chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu 24K (tức là vàng 9999) với giá vàng thế giới và chênh lệch giữa giá vàng SJC so với giá vàng 9999.

Số liệu thống kê cho thấy, giá vàng nguyên liệu 24K của Việt Nam và thế giới không có chênh lệch nhiều, nhưng chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao, giá vàng SJC hiện nay "một mình một chợ". Lúc giá vàng SJC lên đỉnh điểm 80 triệu thì mức chênh lệch khoảng 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đây là một điều rất bất hợp lý.

Từng bàn về việc nếu bỏ độc quyền, nhập khẩu vàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể đối mặt với việc nhập khẩu nhiều quá, nguồn cung quá dồi dào và đẩy giá vàng xuống rất sâu.

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề độc quyền của Ngân hàng Nhà nước trong nhập khẩu vàng cũng như thương hiệu vàng quốc gia SJC cần thay đổi. Đồng thời, nên lập sàn giao dịch vàng để mọi thành phần tham dự thị trường vàng có thể lên đó cập nhật những thông tin thông suốt.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, hiệp hội đã có văn bản xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp là: Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) rất bài bản, trong khuôn khổ của Nghị định 24 từ tháng 8/2023 nhưng chưa được duyệt.

Thực tế, thời gian qua các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát thị trường, xử lý và cung cấp thông tin các hành vi vi phạm, đặc biệt trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Gần đây, Ngân hàng Nhà Nước cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới gây xáo trộn thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính được đề xuất tăng hướng dẫn, kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng; xử lý nghiêm hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Động thái phối hợp quản lý thị trường vàng diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành, không để giá vàng trong nước chênh cao với thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại