Sếp lớn ngân hàng bán khối tài sản khổng lồ liên quan tới Vinfast
Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường ngay từ phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 với thanh khoản toàn sàn lên tới hơn 8,6 nghìn tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 14,2 điểm (1,64%) lên 878,67 điểm; HNX-Index tăng 3,94% lên 114,14 điểm và UPCom-Index tăng 1,01% lên 55,59 điểm. Số mã tăng trên cả 3 sàn áp đảo hoàn toàn với 525 mã, trong khi số mã giảm chỉ là 234.
VN-Index tăng 14,2 điểm (1,64%) lên 878,67 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức khá cao với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt 8,6 nghìn tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng là tâm điểm trong phiên chiều với hàng loạt mã tăng mạnh như ACB, BID, CTG, VCB, MBB, VPB, HDB, TCB, TPB…trong đó ACB thậm chí tăng kịch trần.
Bên cạnh đó, nhiều Bluechips như BVH, FPT, HPG, GAS, MSN, VNM, SAB, VHM, HVN, VJC, PLX, PNJ…cũng bứt phá mạnh giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc.
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp cũng là tâm điểm thu hút dòng tiền với nhiều mã tăng mạnh như NTC, GVR, PHR, SZL, SZC, D2D, BCM, SIP, ITA, KBC… Trong đó, D2D, ITA là các cổ phiếu tăng trần. Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ "sóng" đầu tư công như KSB, DHA, HPG, ACV, C4G, CII… cũng bứt phá mạnh.
Đà tăng cũng lan tỏa mạnh ra nhiều nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí…giúp thị trường thêm phần sôi động.
Một điểm đáng chú ý, các cổ phiếu penny cũng đồng loạt tăng trần trong phiên hôm nay, có thể kể tới như LCG, HKB, TNT, TTF, DC1, SFG, SGT, HQC, QBS, HID, HAR, JVC, TTB,…hay các cổ phiếu "họ FLC" như FLC, HAI, KLF.
VIC và TCB tăng khá tốt.
Trong phiên này, cổ phiếu VIC cũng đứng đầu về top chỉ số thay đổi mạnh nhất về chỉ số EPS. Chốt phiên, VIC tăng nhẹ 2% lên mốc 97.200 đồng/ cổ phiếu. Khối lượng giao dịch toàn phiên vào khoảng 481 nghìn cổ phiếu được khớp lệnh. Hiện mã này đã hồi phục được gần 6% trong một tháng.
Một mã cổ phiếu ngân hàng cũng được gây chú ý trong phiên này khi thuộc top 10 thay đổi chỉ số EPS mạnh nhất đó là TCB. Chốt phiên, TCB tăng khá tốt cùng với đà tăng của nhóm ngân hàng. Với mức tăng 2,9%, hiện cổ phiếu này đang ở mốc 21.300 đồng/cổ phiếu.
Liên quan đến 2 mã cổ phiếu này, mới đây có thông tin về việc "trao đổi" trái phiếu Vinfast liên quan tới Techcombank.
Theo đó, HĐQT CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities - TCBS) phê duyệt cho ông Đỗ Tuấn Anh bán 195.000 trái phiếu VinFast với giá hơn 20 tỷ đồng.
Số trái phiếu đã nêu được ông Tuấn Anh mua vào đầu tháng 1 với giá 20,1 tỷ đồng.
Trái phiếu được phát hành ngày 17/12/2019 và đáo hạn vào 17/12/2022, là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo và được bảo lãnh thanh toán. Lãi suất 4 kỳ đầu tiên là 10%/năm. Đối với các kỳ tính lãi sau, lãi suất được tính bằng trung bình lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank và Techcombank cộng biên độ cố định 4%/năm.
Ông Đỗ Tuấn Anh hiện là Thành viên HĐQT của Techcom Securities và Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Techcombank. Techcombank sở hữu 88,99% vốn của Techcom Securities.
Trước đó hồi tháng 12/2019, ĐHĐCĐ lấy ý kiến bằng văn bản của Techcom Securities đã phê duyệt nâng hạn mức đầu tư vào trái phiếu VinFast 2019, tăng từ 950 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức giao dịch tăng từ 650 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, hạn mức kinh doanh thường xuyên (nắm giữ đến đáo hạn) tăng từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng với điều kiện các giao dịch mua bán từng lần nhỏ hơn 20% giá trị tổng tài sản công ty.
Theo báo cáo mới nhất của VinFast, Techcom Securities là đơn vị duy nhất thu xếp các khoản phát hành trái phiếu với hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận