Phương án giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất chọn phương án giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 vì phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước.
Thêm nguồn lực phục hồi sau bão
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ và các địa phương, bộ, ngành cho thấy, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Dự báo, GDP cả năm ước tính có thể giảm 0,15% so với kịch bản đưa ra trước đó, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8%-7%.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét...
Nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; đồng thời để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, dự phòng các kịch bản về thiên tai có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương trên cả nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại dự thảo Nghị định mới nhất, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất với mức giảm 15% và 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024.
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất chọn phương án 2, giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 vì phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo Bộ Tài chính, mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định của pháp luật. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đánh giá, với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của năm 2024 nhờ các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Chính phủ và sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị thì dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt. Vì vậy, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung.
Đơn giản thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong thực hiện
Dự thảo nghị định cũng quy định về đối tượng áp dụng, theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tính tại thời điểm người thuê đất nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo quy định) dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (người thuê đất).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật) và pháp luật khác có liên quan; cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ giảm tiền thuê đất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đáng chú ý, để đơn giản thủ tục hành chính và thuận lợi trong tổ chức thực hiện; hạn chế tình trạng xin cho khi phải đi xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài chính trình Chính phủ thành phần hồ sơ giảm tiền thuê đất chỉ gồm 02 loại văn bản:
(1) Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2024 của người thuê đất. Người thuê đất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất của mình, đảm bảo đúng đối tượng được giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.
(2) Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).
Mới đây, góp ý vào dự thảo Nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị chọn phương án giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024.
Ngoài ra, về mức giảm tiền thuê đất cho cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão Yagi, VCCI cho biết, sau những thiệt hại nặng nề do bão, các doanh nghiệp tại các tỉnh thành phố này đang rất cần được hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão cao hơn so với mức giảm chung của cả nước. “Chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp tại các địa phương này có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và chuẩn bị phúc lợi cho người lao động cho dịp tết sắp tới”, đại diện VCCI nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường