Phó thủ tướng: Cần đẩy mạnh phân khúc nhà ở bình dân
Lãnh đạo Chính phủ mong nhà đầu tư tính toán chi phí để đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, lợi nhuận hợp lý.
Sáng 11/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Cuộc họp diễn ra sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.
Thiếu phân khúc nhà ở bình dân
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...
Về phía doanh nghiệp, Phó thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá" để cung và cầu gặp nhau...
"Vấn đề đặt ra là phải lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, khoa học, nhanh nhạy đối với công tác quản lý lĩnh vực bất động sản, đất đai, tín dụng, vốn... tạo ra thị trường lành mạnh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng 'bong bóng' bất động sản", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý.
Phó thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phân khúc bất động sản bình dân, khắc phục tình trạng "đẩy giá", "thổi giá".
Về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể; bộ, ngành chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành.
Gói tín dụng 120.000 tỷ vẫn vướng
Liên quan đến tín dụng bất động sản, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh ngành ngân hàng luôn kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro. Trong đó, ngành bất động sản có rủi ro đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.
Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, ông Tú cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung.
"Trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung - cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP Hà Nội cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội...
"Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có", ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ.
Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khoá dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi.
Bên cạnh đó thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ xây, mua nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận