OPEC + nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày
Quyết định của OPEC + có nguy cơ gây thêm một cú sốc khác cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải chống chọi với lạm phát do chi phí năng lượng leo thang.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức 2 triệu thùng/ngày khi nhóm này tìm cách ngăn chặn đà lao dốc của giá dầu do nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC + kể từ năm 2020. Tuy nhiên, việc cắt giảm sẽ không có tác động quá lớn đến nguồn cung toàn cầu. Một số quốc gia thành viên vốn đã khai thác thấp hơn hạn ngạch nên không cần phải giảm sản lượng mà vẫn tuân thủ giới hạn mới này.
Theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu sản lượng dầu tháng 9, chỉ có 8 quốc gia cần phải hạn chế sản lượng thực tế theo quyết định mới, với mức giảm khoảng 880.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, quyết định của OPEC + có nguy cơ gây thêm một cú sốc khác cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải chống chọi với lạm phát do chi phí năng lượng leo thang.
Trong một tuyên bố, chính quyền ông Biden cho biết họ rất thất vọng về quyết định này, coi nó là “thiển cận”, vì giá năng lượng toàn cầu đã tăng vọt theo sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
“Vào thời điểm việc duy trì nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu là điều tối quan trọng, động thái này sẽ có tác động tiêu cực nhất đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn đang quay cuồng với giá năng lượng tăng cao”, theo tuyên bố này.
Thỏa thuận cắt giảm sẽ có hiệu lực từ tháng 11 và được duy trì đến cuối năm sau, trừ khi thị trường thay đổi, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman cho biết.
“OPEC muốn giá dầu về khoảng 90 USD/thùng”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Dầu mỏ Nigeria Timipre Sylva cho biết sau cuộc họp. Nếu dầu thô giảm xuống dưới mức đó, “nó sẽ gây bất ổn cho một số nền kinh tế”, ông Sylva cho biết.
Nỗ lực của Tổng thống Mỹ
Động thái hôm 5/10 mạnh mẽ hơn so với dự kiến của hầu hết các nhà phân tích, đồng thời phản ánh kỳ vọng của các quốc gia sản xuất dầu mỏ trước sự sụt giảm gần đây của giá cả toàn cầu.
“Mục đích của việc cắt giảm sản lượng của OPEC + là để phá vỡ đà giảm giá dầu thô kể từ mùa hè”, ông Bob McNally, một nhà phân tích năng lượng tại Rapidan Energy Group, cho biết. “Nếu họ thành công, thì giá xăng bán ra cũng sẽ ngừng giảm và dao động quanh mức hiện tại, cho đến khi nó bị ảnh hưởng bởi các tác nhân khác”.
Việc cắt giảm diễn ra bất chấp việc chính quyền Biden tích cực vận động hành lang để nhóm này tiếp tục duy trì sản lượng ở mức hiện tại hoặc cao hơn. Với mục đích này, Tổng thống Mỹ thậm chí còn đáp một chuyến bay sang Ả Rập Xê-út hồi tháng 7.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Biden đã bị lu mờ bởi giá dầu giảm mạnh gần đây, khiến liên minh OPEC + phải họp mặt trực tiếp. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của liên minh này kể từ năm 2020.
Giá dầu đã tăng trong tuần này trước những dự đoán về việc OPEC + cắt giảm sản lượng. Giá dầu tại London tăng 2,4% lên 93,96 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 tuần, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên đến hơn 100 USD/thùng.
Quyết định của OPEC và các đồng minh được công bố tại Vienna, Áo, sau khi giá dầu và khí đốt tăng vọt trong mùa hè sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Giá dầu có xu hướng giảm từ tháng 7 đến giữa tháng 9, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách giảm giá xăng và giảm áp lực cho người tiêu dùng Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ.
Nhóm nghiên cứu Capital Economics hiện dự đoán giá dầu toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 93 USD lên 100 USD/thùng, với giá chuẩn của Mỹ tăng từ 88 USD lên 92 USD/thùng. Lúc xung đột Nga – Ukraine mới diễn ra, giá dầu toàn cầu đã tăng lên tới 128 USD/thùng.
Chúng tôi luôn kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung sẽ chậm lại vào cuối năm nay và năm 2023, nhưng hành động mới nhất của OPEC + tiếp tục củng cố quan điểm của chúng tôi cho rằng giá dầu cuối năm sẽ cao hơn một chút”, bà Caroline Bain, nhà phân tích hàng hóa chính của Capital Economics, cho biết trong một lưu ý sau thông báo hôm 5/10.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận