menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Thái

Ông Vũ Tiến Lộc: "Doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn"

Cứ 10 doanh nghiệp mới thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là một con số đáng suy ngẫm.

Đang song hành 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế

Chia sẻ tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” tổ chức sáng ngày 14/12, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực.

Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, dễ nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại. Những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoánbất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết...

Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng quốc gia, nhất là ở các đối tác kinh tế quan trọng, tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại tệ.

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.

Đồng quan điểm với ông Hùng, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC cũng cho rằng 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế cùng song hành.

“Doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn”, ông Lộc nhìn nhận và dẫn chứng từ thực tế, trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Tuy nhiên, cũng trong 11 tháng đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay. Tương ứng cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số cần đáng suy nghĩ.

“Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi Covid-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Đầu tư công có thể là cứu cánh

Chuẩn bị bước vào 2023 với những khó khăn và thách thức mới. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng bức tranh kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp chỉ có thể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Ngày nay, có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch vừa rồi sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn.

Một vấn đề nữa được ông Lộc nêu là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa đó là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, doanh nghiệp không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn. An toàn pháp lý trong kinh doanh là rất quan trọng, cần an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa.

Trong bối cảnh này, đề cập tới một số giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng nhận định, đầu tư công có thể là cứu cánh.

Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay, khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định.

Do đó, với việc nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công (chi đầu tư phát triển khoảng gần 730 nghìn tỷ, cao hơn 2022 được phân bổ là gần 530 nghìn tỷ).

“Tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực.

Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng”, ông Hùng cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc: "Doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn"
​PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Đáng chú ý, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế.

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại