24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vạn Lịch
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp từng vướng vòng lao lý bởi các sai phạm gây ra trong quá trình điều hành, gây nhiều tổn hại cho chính cổ đông và thị trường.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hôm nay, 29/3 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán

Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra.

Theo đó, cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Chứng khoán BOS và các công ty cũng đang bị điều tra về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" trong sai phạm xảy ra ngày 10/1.

Việc làm của những người này gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên nhiều group và zoom chứng khoán, nhiều cổ đông FLC bày tỏ thất vọng và lo lắng trước tương lai của các cổ phiếu liên quan đến doanh nghiệp này. Thực tế, khi chưa có thông tin chính thức về việc bắt tạm giam Chủ tịch FLC mà chỉ xuất hiện các tin đồn, cổ phiếu này đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp và khối lượng dư bán sàn mỗi phiên của nhóm này lên đến cả trăm triệu cổ phiếu.

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý
Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra.

Hồi đầu năm nay, Chủ tịch FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tối cùng ngày cho biết nhận được báo cáo nên ra quyết định phong tỏa tài khoản của người đứng đầu FLC từ hôm sau.

Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo hủy giao dịch này. Đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua. Sau đó, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng - đây là mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng. Sau thông tin này, cổ phiếu FLC đã giảm mạnh, tạo mô hình cây thông sau chuỗi tăng liên tiếp.

Thực tế, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các thông tin liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp. Không chỉ đến khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, thị trường cũng từng có nhiều đợt lao dốc khi các lãnh đạo doanh nghiệp lớn vướng vòng lao lý.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB

Năm 2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra thông báo về việc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư sinh lợi. Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao.

Ông Nguyễn Đức Kiên, lúc này là Chủ tịch hội đồng đầu tư được HĐQT chỉ đạo trực tiếp thực hiện việc đầu tư này. Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. ACBS là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Biết pháp luật không cho phép ACBS mua cổ phiếu của chính ACB, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) và công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á châu Hà Nội (ACI-HN) để đầu tư mua cổ phiếu của ACB. Hai công ty này đều do Nguyễn Đức Kiên sáng lập.

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý
Ông Nguyễn Đức Kiên từng là Chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB.

Hành vi nêu trên của Nguyễn Đức Kiên và các thành viên trong Thường trực HĐQT ACB làm cho ACB thiệt hại hơn 687 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên từng là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và thường được gọi là "bầu Kiên".

Thời điểm đó, bên cạnh cổ phiếu ACB, hàng trăm mã cổ phiếu khác trên cả hai sàn HoSE và HNX đồng loạt giảm sàn sau thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Những chỉ số này khiến nhiều chuyên gia đánh giá rằng, tình cảnh chứng khoán đang giống như thời khủng hoảng năm 2009.

Ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).

Theo chỉ đạo của ông Hà Văn Thắm, OceanBank đã chi 1.576 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi trái quy định. Sau thời gian thực hiện tạm ứng chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền với số tiền lớn, không còn nguồn tiền để hoàn ứng, bị cáo Lê Thị Thu Thủy (cựu Phó Tổng Giám đốc OceanBank) đã báo cáo ông Thắm tìm cách giải quyết.

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý
Ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).

Ông Thắm sau đó đã chỉ đạo bà Thủy phối hợp với bộ phận PR, văn phòng và kế toán ký kết, hợp thức 44 hợp đồng khống/nâng khống với 19 đối tác trong và ngoài Tập đoàn Đại Dương tổng giá trị là hơn 133,8 tỷ đồng.

OceanBank đã hạch toán kế toán qua các tài khoản VAT đầu vào, chi phí vật liệu khác; chi xuất bản tài liệu, tiếp thị quảng cáo; chi phí giao dịch đối ngoại… chuyển khoản vào tài khoản của các đối tác là 133 tỷ đồng.

Hành vi ký kết, hạch toán, thanh toán các hợp đồng khống/nâng khống của ông Hà Văn Thắm và đồng phạm dẫn đến hậu quả là OceanBank phải hạch toán kế toán số tiền không có thật, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 106 tỷ đồng.

Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV

Ông Hà có 35 năm làm việc tại BIDV. Với 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Hà được coi là "linh hồn" của ngân hàng này trong suốt thời gian dài.

Tháng 6/2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định "rất nghiêm trọng", trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.

Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu rõ ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Trong số đó, nổi lên là việc ông Hà phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank

Từ năm 2007-2013, ông Trần Phương Bình với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng DAB đã chỉ đạo các bị can trong vụ án và những người liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Trong đó, hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 4 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng) gây thiệt hại số tiền hơn 8.751 tỷ đồng.

Theo đó, ông Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại cho DAB hơn 3.139 tỷ đồng khi cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia, TTC vay tiền. Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới cho các công ty thuộc nhóm khách hàng M&C vay 1.675 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 3.949 tỷ đồng.

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý
Ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank.

Ông Trần Phương Bình còn vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng trong việc cho các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến vay tín chấp không đúng quy định gây thiệt hại cho DAB hơn 393 tỷ đồng.

Ông Bình còn đưa ra chủ trương và chỉ đạo DAB chi nhánh quận 10 chuyển dư nợ các khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng và doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền về DAB sở giao dịch để cơ cấu.

Để tránh nợ xấu cho ngân hàng, ông Bình chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên tại DAB sở giao dịch cơ cấu các khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ Việt Nam đồng và cho vay 2 khoản vay mới không có tài sản đảm bảo.

Tiếp tục cơ cấu thành 3 khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng của doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền và xác định khách hàng này không đủ khả năng tài chính trả nợ, các hợp đồng được tái cơ cấu đều quá hạn hơn 1 năm… Hành vi của ông Bình cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.269 tỷ đồng.

Để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay, ông Trần Phương Bình đã nhờ người khác đứng tên vay ở DAB. Sau đó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ chứng từ thu, nộp khống chiếm đoạt DAB tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex

Liên quan đến lùm xùm của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Loan, ngày 9/11/2021, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" gồm Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex và 3 bị can khác thuộc nhóm các công ty tham gia đấu giá, 3 bị can thuộc Công ty thẩm định giá và một bị can thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh.

Ngoài việc làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex, bà Nguyễn Thị Loan còn làm Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp cũng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS).

Những ông bà chủ doanh nghiệp, ngân hàng nghìn tỷ vướng vòng lao lý
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex.

Cụ thể, để hoàn thiện chứng từ thẩm định giá, bà Loan các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ. Bằng nhiều thủ đoạn, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng từ 60-70 triệu đồng/m2.

Với hành vi chỉ đạo các đối tượng cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, công ty mà bà Loan nắm quyền chi phối, là Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, đã trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.

Chỉ sau đúng một tháng được bàn giao đất, bà Loan đã bán, với thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2, thu lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng.

Sau tin nữ Chủ tịch bị bắt, cổ phiếu này đã giảm sàn hết biên độ nhiều phiên, dư bán sàn hàng trăm nghìn cổ phiếu, gây tổn hại trực tiếp tới các cổ đông trực tiếp sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
24.95 +0.10 (+0.40%)
3.50 (0.00%)
6.40 -0.10 (-1.54%)
10.00 -0.70 (-6.54%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả