Những cơn gió ngược của ngành săm lốp trong năm 2021
Dù kết quả kinh doanh được cải thiện đáng kể trong quý cuối năm nhưng một quý là chưa đủ để các doanh nghiệp săm lốp đạt được tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, 3 doanh nghiệp săm lốp trên sàn chứng khoán gồm Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM), Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) và Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) đã ghi nhận tổng cộng 10,175 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021, tăng 5% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm 11%, còn 373 tỷ đồng.
Trừ DRC, lợi nhuận của hai doanh nghiệp còn lại là CSM và SRC đều giảm so với năm 2020, lần lượt ở mức 54% và 46%.
Kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp săm lốp trong năm 2021 (Đơn vị tính: Tỷ đồng)
2021 là năm đầy “sóng gió” đối với ngành săm lốp khi liên tiếp phải đón nhận những thông tin tiêu cực ở cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
“Cơn gió ngược” đầu tiên của ngành săm lốp chính là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt đã tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm 2021 do nhu cầu tăng và thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế thế giới sau đợt dịch năm 2020. Những tháng sau đó, giá cao su dần được điều chỉnh nhưng sớm quay lại đà tăng kể từ đầu tháng 9.
Giá dầu mỏ - một nguyên liệu thiết yếu khác để sản xuất lốp xe cũng liên tục leo thang trong năm 2021.
Bên cạnh giá nguyên liệu đầu vào, chi phí thực hiện “3 tại chỗ” cho công nhân cũng khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp săm lốp tăng đáng kể.
Dù vậy, biên lãi gộp của DRC và SRC vẫn may mắn tăng trưởng so với năm trước nhờ điều chỉnh giá bán để giảm áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào. Rất tiếc, CSM lại không may mắn như vậy, biên lãi gộp giảm từ 16% xuống còn 11%.
Để đối phó với vấn đề nguyên vật liệu tăng, hầu hết các doanh nghiệp săm lốp đều đẩy mạnh việc trữ hàng nhằm đề phòng những “cơn bão giá” có thể xảy ra. Cụ thể, tồn kho nguyên vật liệu của DRC và SRC lần lượt tăng 80% và 25% so với đầu năm. Ngược lại, ở CSM, tồn kho nguyên vật liệu lại giảm mạnh đến 98%, trong khi tồn kho công cụ, dụng cụ tăng gấp 83 lần.
Tồn kho nguyên vật liệu của 3 doanh nghiệp tại 31/12/2021 (Đơn vị tính: Tỷ đồng)
“Cơn gió ngược” tiếp theo mà các doanh nghiệp trong ngành phải hứng chịu chính là việc sụt giảm sản lượng tiêu thụ. Trong đại dịch, người dân ít ra đường do chấp hành giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh nhu cầu trong nước bị hạn chế, các doanh nghiệp đã và đang tập trung vào thị trường nội địa như CSM và SRC là những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong quý 3, CSM lần đầu tiên báo lỗ với mức lỗ hơn 28 tỷ đồng.
Có thể nói 2021 là năm không may đối với CSM khi cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều gặp khó. Sau khi Bộ thương mại Mỹ (DOC) kết luận rằng lốp xe xuất khẩu của Việt Nam được trợ cấp và bán phá giá, CSM đã phải gánh thêm xấp xỉ 29% thuế suất khi xuất khẩu vào thị trường này, do đa phần sản phẩm đều thuộc diện chịu thuế.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của DRC không bị ảnh hưởng nhiều do Công ty chủ yếu xuất khẩu lốp tải nặng - sản phẩm không nằm trong danh sách áp thuế của DOC. Tuy nhiên, doanh nghiệp chú trọng xuất khẩu như DRC lại phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối khác là việc chi phí vận tải tăng chóng mặt trong năm qua.
Chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến lợi nhuận ròng 2 quý cuối năm của DRC lần lượt giảm 45% và 20% dù doanh thu vẫn tương đối lạc quan (giảm nhẹ 2% trong quý 3 và tăng 20% trong quý 4).
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, các doanh nghiệp săm lốp có xu hướng gia tăng các khoản vay nợ. Tỷ lệ nợ vay/vốn góp chủ sở hữu của SRC đã vượt 100%, còn ở CSM là trên 200%. Mặt khác, tổng nợ vay của DRC ghi nhận tăng 87%, lên gần 574 tỷ đồng.
Trong năm 2022, các yếu tố kìm kẹp ngành săm lốp sẽ dần được nới lỏng khi Chính phủ ngừng theo đuổi chính sách “Zero Covid”, giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận tải cũng ít biến động hơn.
Tuy nhiên, ít biến động không đồng nghĩa với việc chi phí hoạt động sẽ không tăng. Giá cao su thiên nhiên đang có dấu hiệu tăng trở lại, cùng với đó là nguy cơ giá dầu mỏ tăng vọt do ảnh hưởng từ các hoạt động chính trị trên thế giới. Bên cạnh đó, hệ quả của việc tăng vay nợ sẽ khiến các doanh nghiệp đối mặt với áp lực do chi phí lãi vay cao hơn năm trước.
Về tổng thể, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành săm lốp vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 do nhu cầu dồn nén trong thời gian giãn cách cộng với việc hầu hết các doanh nghiệp đều đã tăng giá bán để bù đắp chi phí đầu vào tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận