Nhịp đập Thị trường 23/09: VN-Index rơi rụng lần 2 và được “cứu” bởi cổ phiếu nhà Vin
VN-Index tăng mạnh khi bước vào phiên chiều, nhưng rồi lại rơi rụng sâu về tham chiếu, và chỉ được cứu bởi bộ ba cổ phiếu nhà Vin vào phút cuối. Nguyên nhân có thể đến từ nhóm BĐS, khi nhiều mã tên tuổi chuyển màu từ xanh qua đỏ. Cổ phiếu ngân hàng trên HOSE vẫn có nhiều mã giảm giá, nhưng không thay đổi mấy so với cuối phiên sáng. Diễn biến trên VN-Index có lẽ tác động mạnh lên cổ phiếu sàn HNX, khiến chỉ số sàn này giảm sâu.
Một loạt tên tuổi trong nhóm BĐS nhà ở bổng dưng quay đầu giảm trong phiên chiều, và có lẽ đã tạo ra hiệu ứng khiến chỉ số giảm, bao gồm NVL, PDR, HDG, DIG, CRE… Những mã như NLG hay DXG dù tăng giá vào lúc đóng cửa, nhưng cũng coi như giảm so với đỉnh giá trong phiên. Bộ ba cổ phiếu nhà Vin cũng giảm giá trong khoảng thời gian này, nhưng được kéo lên lại vào phút ATC, giúp chỉ số không giảm xuống dưới tham chiếu.
Không có bộ ba nhà Vin được kéo lên vào phút chót, VN-Index có lẽ đã giảm dưới tham chiếu. trên rất nhiều nhóm ngành lớn nhỏ như dầu khí, bất động sản, cảng biển, phân bón, xây dựng, sắt thép, bán lẻ đồ công nghệ, dệt may, ô tô phụ tùng, thủy sản, hóa chất…, toàn là các mảng lớn màu đỏ. Tuy nhiên cũng có một số ngành vẫn giữ được sắc xanh, thậm chí có thể coi là tốt hơn nhiều so với cuối phiên sáng, như dược, hàng không, phân phối bia… Bảo hiểm chuyển qua phân hóa có lẽ vẫn còn được hưởng lợi từ tin tức tốt.
Chỉ số HNX-Index hồi lên lại trên tham chiếu được có vài phút, rồi sau đó lại giảm sâu, và kết thúc cuối này ở gần đáy. Nguyên nhân có lẽ là do ảnh hưởng từ diễn biến của VN-Index. Nhiều Large Cap sàn HNX cũng giảm mạnh hơn so với phiên sáng, trong đó có cả những cái tên bất ngờ như VCS, PVS, IDC… NVB vốn đã giảm suốt phiên sáng, đến cuối phiên chiều giảm thêm 1 chút. Ngược lại, PVI và SHB tăng mạnh hơn so với cuối phiên sáng, nhưng lực đỡ chỉ số không đủ so với nhiều mã giảm giá khác.
Diễn biến của UPCoM-Index cũng tương đồng với VN-Index, cho thấy ảnh hưởng tâm lý, tuy nhiên mức độ dao động được gia giảm nhiều và vẫn giữ được sắc xanh cuối ngày. Nhóm Large Cap sàn UPCoM vẫn có nhiều tên tuổi tăng giá mạnh như SNZ, KLB, GE2, ACV, VEF, VTR…
Nhóm xây dựng vẫn có rất nhiều cổ phiếu tăng giá, nhưng số mã giảm giá lại tăng nhiều lên, khiến nhóm này nhìn chung có thể coi là tiêu cực. Có lẽ nhiều người đu mua cổ phiếu nhóm này vào phiên sáng đã phải sớm ghi nhận mức lỗ vào cuối phiên chiều. Các mã tăng giá chủ yếu vẫn là cổ phiếu trên UPCoM, như SDJ, TVH, SD3, SCG, L63, RCC, ICI… còn các mã giảm giá lại có nhiều trên HOSE, như một loạt cổ phiếu họ Sông Đà, TGG, TCD, HU1, EVG….
Phiên sáng: Cú rơi bất ngờ khó hiểu của VN-Index
VN-Index bất ngờ rơi chỉ trong khoảng 10-15 phút trước thời điểm 11h, rồi sau đó nhanh chóng hồi trở lại, tuy nhiên nguyên nhân cũng chưa rõ. Một số mã vốn hóa lớn có diễn biến giảm giá cùng thời điểm bao gồm GAS, MWG, PLX, VCB…, nếu tính đơn lẻ thì không ảnh hưởng gì, nhưng có lẽ diễn ra cùng lúc nên tạo thành cộng hưởng, khiến chỉ số “rơi sâu”.
Trên các sàn chứng khoán châu Á lúc này, chỉ có Nikkei của Nhật và Kospi là giảm điểm. May thay VN-Index không đi theo 2 cường quốc kinh tế của châu Á này.
Nhóm ngân hàng về tổng thể có diễn biến tích cực hơn một chút về cuối phiên, tuy nhiên riêng đối với những mã niêm yết trên HOSE thì không hẳn vậy. Cụ thể trong 27 mã có giao dịch sáng nay, thì 9 mã tăng (bình quân +1.3%) so với 12 giảm (bình quân -0.9%), nhưng tính riêng 16 mã trên HOSE, thì lại chỉ có 2 mã tăng giá là CTG và TPB, so với 9 mã giảm (bình quân -0.7%). Điều này có thể khiến những người đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng thêm thất vọng, khi giá cổ phiếu không “chạy kịp theo thị trường”. Điều an ủi là, mức giảm giá cổ phiếu nhóm này nhìn chung cũng rất nhỏ.
Cân đối lại với nhóm ngân hàng, vẫn là BĐS và dầu khí. Nhóm BĐS nhà ở và khu công nghiệp vẫn có nhiều mã tăng giá ổn định từ giữa phiên đến nay. Tuy nhiên dầu khí nhà PVN thì đang có vẻ yếu dần, 1 số mã đã quay qua giảm như CNG, PVB, PVC, PVD, PVG… PVT ra tin tích cực nhưng vẫn giảm nhẹ 150 đồng.
Chỉ số HNX-Index chưa lên khỏi tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng nay, dù đã có dấu hiệu hồi cuối phiên. Hiện nhóm Large Cap sàn HNX đang phân hóa khá rõ nét, với bên tăng giá nổi bật chỉ có PVI, PGS, so với nhiều mã giảm như NTP, NVB, OCH, VNR, TVC, VCS, CAG, CEO… Sàn HNX vẫn có đến 12 mã tăng trần, chỉ là toàn mã nhỏ.
Tương tự, chỉ số UPCoM-Index cũng giảm vào giữa phiên, nhưng hiện đã quay lại tham chiếu. Điều đáng nói ở sàn Upcom là có vẻ như largecap lại có “tầm ảnh hưởng” hơi ít đến chỉ số. Cụ thể có nhiều largecap vẫn tăng giá khá tốt, như ACV, KLB, CTR, VGI, VEA, SNZ… hay thậm chí GE2 tăng đến 15%. Ngoài ra, điều kỳ lạ là sàn UPCoM đáng có đến hơn 170 mã tăng giá, trong đó 24 tăng trần gần 15% (và nhiều mã tăng hơn 10%), so với chỉ chừng 100 mã giảm giá (5 giảm sàn).
Trong các nhóm ngành nhỏ và vừa, xây dựng trở nên rất nổi bật, không hẳn vì có nhiều mã tăng giá cao, mà vì có quá nhiều mã tăng giá. Ngoài ra, 1 số nhóm ngành có nhiều mã vốn hóa nhỏ, cũng tiếp tục tăng nóng sáng nay như phân phối xăng dầu, lâm sản, máy công nghiệp…
Chỉ số VN-Index tăng, nhưng nhiều nhóm ngành giảm thấy rõ, như ngân hàng, dệt may, ô tô săm lốp, chứng khoán, hóa chất, dược, cảng biển kho bãi…
MWG đầu phiên tăng trần, nhưng đến 11h cũng lùi xuống đôi chút, và hiện tại chỉ tăng hơn 4%. Có lẽ thông tin doanh nghiệp bị Apple cắt bớt lượng đăng ký mua Iphone 13 đang tác động lên giá cổ phiếu này sáng nay.
10h30: Cổ phiếu ngân hàng xấu đi nhưng VN-Index vẫn được neo cao
Nhóm ngân hàng lại có chuyển biến xấu đi so với đầu phiên, với hàng loạt mã chuyển qua sắc đỏ. Trên cả 3 sàn, số mã giảm giá đang nhiều gấp đôi số tăng giá (16- vs 8+). Trên HOSE, hàng loạt mã chuyển qua sắc đỏ như ACB, HDB, MBB, TCB, VPB, STB, TPB, MSB… VCB đỏ từ sớm, giờ vẫn vậy. May thay chỉ số VN30 lẫn VN-Index vẫn neo khá cao so với đầu phiên nhờ những Large Cap khác.
Số mã tăng giá trong Nhóm VN30 hiện là 15, ít hơn so với đầu phiên, chủ yếu do các cổ phiếu ngân hàng quay qua giảm giá. Dù sao, chỉ số nhóm này vẫn có trụ là MWG, GVR, VHM, VIC.
Chỉ số HNX-Index bỗng dưng suy giảm mạnh và đã chọc thủng tham chiếu. Số lượng cổ phiếu sàn này giảm giá đang gấp rưỡi số tăng giá. Trong nhóm largecap, có những cái tên giảm giá đáng chú ý như NVB, CAG, NTP, VGS, MBS… SHB đang dao động quanh tham chiếu, có lúc cũng chuyển qua sắc đỏ.
Tương tự, UPCoM-Index cũng giảm bất ngờ, nhưng điểm khác biệt là số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn còn rất nhiều so với số mã giảm. Ngoài ra, trên nhóm Large Cap sàn này, cũng đa số xanh, trong đó có những mã nổi bật như ACV, KLB, MML, VEA, SNZ… nhất là GE2, tăng đến gần 15%.
Hai nhóm BĐS nhà ở và khu CN đã có diễn biến tích cực hơn so với đầu phiên. Nhiều tên tuổi tầm trung nhóm BĐS nhà ở đang tăng giá như DXG, IJC, DXS, NLG. Ở bên nhóm còn lại, KBC tăng trần nhờ có tin tức mới, ngoài ra còn có những mã như LHG, SNZ, BCM…
VIC tăng phiên thứ 2 một cách khó nhọc, sau chuỗi ngày dài giảm giá. Thật không thể tưởng tượng được VIC giảm giá từ đỉnh khoảng 130 ngàn đồng/cp hồi giữa tháng 4, giờ chỉ còn chưa đến 90 ngàn đồng. Nhưng mà ở góc độ kỹ thuật, nếu VIC hồi giá, sẽ là trụ mạnh đỡ chỉ số.
Phân phối xăng dầu, khí đốt, xây dựng và VLXD tiếp tục là những nhóm ngành có rất nhiều mã tăng giá mạnh, chủ yếu nhờ quy định biên độ dao động lớn bên HNX và UPCoM. Trong 3 nhóm này, có những cái tên nhiều người biết như PGD, PCG, ASP, MTG, MCG, LM8, CIG, FCM, DXV…
Mở cửa: Kỳ vọng VN-Index tăng tốc với tin tức từ Mỹ
VN-Index mở cửa tăng hơn 8 điểm, và còn tăng tiếp. Thông tin từ Fed lẫn chỉ số chứng khoán Mỹ đêm qua có thể là một yếu tố hỗ trợ tâm lý tích cực cho sàn chứng Việt Nam sáng nay, thậm chí kỳ vọng gia tăng tốc độ tăng điểm của chỉ số lẫn tăng giá cổ phiếu.
Đêm qua, không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia bên Mỹ, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed có thể cắt giảm nhịp độ mua tài sản ngay trong "cuộc họp kế tiếp", tức cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 02-03/11/2021. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng thời điểm giảm mua tài sản không báo hiệu gì về thời điểm bắt đầu nâng lãi suất. Đây có thể hiểu là động thái nhằm giúp thị trường có thời gian chuẩn bị cho cú hạ cánh mềm, sau một thời gian khá dài tăng mạnh nhờ được “bơm tiền”. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng mạnh ngay sau khi có tin từ Fed, dù đến cuối ngày giao dịch (giờ Mỹ) thì giảm lại một chút. Dù sao đi nữa, diễn biến này đang hỗ trợ tích cực cho sàn chứng Việt Nam.
Sàn HOSE có đến 25 mã tăng giá trần ngay từ đầu phiên sáng nay, chiếm tỷ trọng gần 10% trong số lượng cổ phiếu tăng giá sàn này. Tuy nhiên hầu hết số mã tăng trần này tiếp tục là cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa. Trong nhóm VN30, dù có 19 cổ phiếu tăng giá, nhưng không có mã nào tăng trần.
Chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm từ sớm, nhờ không mất 15 phút đầu chờ khớp như sàn HOSE. Tuy nhiên đến thời điểm ATO, mức tăng % của 2 chỉ số này lại kém một chút so với mức tăng của VN-Index.
VCB vẫn giảm giá nhẹ đầu phiên, có lẽ thật đáng thất vọng. Nhóm ngân hàng khởi đầu cũng tích cực, đa số cổ phiếu tăng giá, tuy nhiên mức tăng bình quân của cổ phiếu lại rất khiêm tốn so với 2 nhóm lớn khác là BĐS nhà ở và dầu khí.
Một số nhóm tăng nóng mấy phiên trong tuần lại tiếp tục chạy, bao gồm xây dựng, khai khoáng, bảo hiểm, phân phối xăng dầu và khí đốt… Điểm chung những nhóm này là nhiều mã vốn hóa nhỏ, giao dịch trên UPCoM và trước đó kém thanh khoản.
Sáng nay vẫn có một số nhóm ngành có nhiều sắc đỏ, như dệt may, thực phẩm, săm lốp, cấp thoát nước, vận tải thủy, khai thác than… hay sắt thép.
Bảo hiểm tiếp tục có nhiều mã tăng khá nóng sáng nay, như PVI, PGI, AIC, ABI hay BLI. Nhóm này có lẽ vẫn đang hưởng tâm lý tích cực sau thông tin nới room ngoại, chưa kể một số mã đang có tin tức nội bộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường