menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Jennie

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ

NHNN đặt vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (BIDV, VietinBank, Vietcombank) và Agribank nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và tiếp tục xử lý nợ xấu...

Theo tài liệu Vietcombank gửi cổ đông thường niên 2022, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 18,1% bằng phương án phát hành cổ phiếu, tương đương với gần 856,6 triệu cổ phiếu phổ thông qua tăng vốn điều lệ. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 55.891 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% (có điều chỉnh của NHNN) và tăng trưởng huy động vốn trên thị trường 1 ở mức phù hợp; kiểm soát nợ xấu ở mức 1,5%, lợi nhuận trước thuế 2022 tăng tối thiểu 12% so với năm trước.

Tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước là vấn đề cấp bách. Ảnh minh hoạ. data-natural-width640

Tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước là vấn đề cấp bách. Ảnh minh hoạ.

VPBank vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2022, trong đó có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 79,3 ngàn tỷ đồng thông qua hai phương án. Thứ nhất, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 50% - tức là cổ đông có 1.000 cổ phiếu phổ thông sẽ nhận thêm 500 cổ phiếu. Mức tối đa của chương trình phát hành này sẽ vào khoảng trên 2,2 tỷ cổ phiếu, tương đương với khoảng 22,3 ngàn tỷ đồng tăng thêm vốn điều lệ dự kiến thực hiện trong quý II và quý III năm 2022. Phương án hai: VPBank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa khoảng 1,190 tỷ cổ phiếu tương đương với tỷ lệ 15% vốn điều lệ.

Các nhà phân tích cho rằng, cổ phiếu VPB trên thị trường giao dịch ở mức 40.000 đồng/CP gấp bốn lần so với mệnh giá, nếu đợt phát hành để tăng vốn điều lệ lần này thành công, ngân hàng sẽ có thặng dư vốn khoảng 20%. Trên nguyên lý, ngân hàng tăng vốn điều lệ sẽ củng cố năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh. VPBank dự kiến trình cổ đông mua lại Công ty bảo hiểm OPES có vốn điều lệ 550 tỷ đồng và góp vốn bổ sung vào công ty con công ty chứng khoán ASC dự kiến tối đa 15.000 tỷ đồng.

Techcombank - một trong ba ngân hàng đặt mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2022 trên 1 tỷ USD, cũng đưa ra mức tăng trưởng tín dụng 15% sau khi điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh phù hợp với giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. Techcombank đang theo đuổi phát triển và mở rộng mảng dịch vụ, trong đó tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi) ở mức trên 50% - mức cao nhất trong các TCTD. Ngân hàng này sở hữu một hệ sinh thái bán lẻ hàng tiêu dùng rất rộng lớn của Tập đoàn Masan và các đối tác khác nên kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho ngân hàng trong những năm tới.

Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ cũng đang nâng cao năng lực tài chính để tăng dịch vụ bán lẻ thông qua các kênh ngân hàng số, cùng với đó là mở rộng mạng lưới về các tỉnh thành chưa có nhiều ngân hàng hiện diện. MSB dự định tăng tổng tài sản thêm 14% lên 233 ngàn tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 25% lên mức 1130.752 tỷ đồng; vốn huy động tăng 15% đạt mức 123.808 tỷ đồng. Cùng với đó, MSB dự kiến phát hành hơn 458,25 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ chia là 30% và kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động năm 2022 với số lượng phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn, vốn điều lệ của MSB sẽ ở mức trên 20.000 tỷ đồng.

Ông Ngô Quang Trung - Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, HĐQT ngân hàng đã thông qua phương án kinh doanh năm 2022, nâng tỷ trọng doanh số từ kênh ngân hàng số, mở rộng mạng lưới thêm 15 điểm giao dịch, nâng tổng số lên 131 đơn vị trên toàn hệ thống. Theo đó, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch tài chính năm 2022, tổng tài sản tăng 27%, đạt 97 ngàn tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư hơn 71 ngàn tỷ, tăng 28%. Dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 53 ngàn tỷ, tăng khoảng 15% (mức tăng tín dụng theo phân bổ của NHNN).

Đối với nhóm NHTM nhà nước, trong kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đặt ra vấn đề tiếp tục thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. NHNN cũng đặt vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTMCP có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (BIDV, VietinBank, Vietcombank) và Agribank nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và tiếp tục xử lý nợ xấu. Trong đó, nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHTMCP có vốn nhà nước chi phối được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023; và nguồn ngân sách nhà nước để tăng vốn cho Agribank.

Kỳ vọng giữ được đà tăng trưởng của các TCTD cũng được phản ánh rõ nét qua kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II năm 2022 do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện: có 73,1-80,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh quý II và cả năm 2022 sẽ cải thiện cao hơn so với năm qua. Thanh khoản đối với cả VND và ngoại tệ tiếp tục được cải thiện, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng hơn những tháng đầu năm, trong đó nhu cầu vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Dự báo cũng đưa ra đánh giá, mặt bằng lãi suất cho vay, huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ quý II, khoảng 0,03-0,06 và 0,13-0,18 trong cả năm 2022, dự kiến chủ yếu là tăng lãi suất huy động.

Đáng chú ý theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II của Vụ Dự báo thống kê, rủi ro của nhóm khách hàng cá nhân được dự báo cải thiện tốt hơn. Dự báo huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% vào thời điểm cuối năm 2021. Các TCTD dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được tăng 4,8% trong quý II và tăng 14,1% trong năm 2022. Tuy nhiên, các TCTD điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra cuối năm 2021, trong đó, 89,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021 (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ 95% TCTD dự kiến tại kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại