24HMONEY đã kiểm duyệt
28/05/2024
Ngành Tôn mạ - Doanh số và biên lợi nhuận dự kiến phục hồi từ mức cơ sở thấp, tuy nhiên định giá không còn hấp dẫn
Nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu dần phục hồi, dự kiến sẽ thúc đẩy sản lượng bán tăng trưởng nhẹ trong năm 2024.
Tổng sản lượng bán ống thép và tôn mạ toàn ngành giảm 14% YoY trong nửa đầu năm 2023 do hoạt động xây dựng trong nước ảm đạm và nhu cầu xuất khẩu thấp. Tuy nhiên, tăng trưởng đã trở lại trong nửa cuối năm 2023 với sự phục hồi của cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thúc đẩy tổng sản lượng bán tăng trưởng 12%. Dẫu vậy, sản lượng bán cả năm 2023 giảm 1,8% YoY. Trong năm 2024, chúng tôi cho rằng nhu cầu tôn mạ sẽ chỉ tăng trưởng khoảng ở mức thấp hai chữ số, nhờ vào (1) thị trường BĐS trong nước dần phục hồi, (2) kim ngạch xuất khẩu phục hồi nhẹ, và (3) nhu cầu từ các nhà máy FDI xây mới.
Biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất tôn mạ sẽ tăng từ mức cơ sở thấp của năm 2023. Sau đợt phục hồi vào đầu năm 2023 và đợt điều chỉnh giá trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5, giá thép
HRC đầu vào cho đến nay hầu như đi ngang do nhu cầu xây dựng yếu ở Trung Quốc. So sánh theo năm dương lịch, biên lợi nhuận gộp năm 2023 của
NKG và
HSG lần lượt giảm xuống mức thấp nhất và thấp thứ hai kể từ năm 2020 và 2019, chúng tôi cho rằng nguyên nhân đến từ nhu cầu yếu và hàng tồn kho chi phí cao được tích lũy trong nửa đầu năm 2023. Trong năm 2024, chúng tôi dự báo biên lợi nhuận của các nhà sản xuất tôn mạ sẽ tăng từ mức thấp của năm 2023 do giá đầu ra phục hồi mạnh hơn mức tăng nhẹ trong chi phí đầu vào. Điều này là do chúng tôi tin rằng tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ mạnh hơn mức tăng trưởng nhu cầu chậm của Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng sản lượng bán hàng cao hơn sẽ tăng biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất tôn mạ do hiệu suất nhà máy tăng sẽ giúp giảm giá vốn trên mỗi đơn vị hàng bán.
Gián đoạn vận tải toàn cầu sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận từ HĐKD đối với các nhà sản xuất tôn mạ phụ thuộc vào xuất khẩu trong năm 2024. Căng thẳng Biển Đỏ và hạn hán ở Kênh đào Panama đang đẩy giá cước vận tải toàn cầu lên cao hơn. Chúng tôi cho rằng tình trạng này sẽ duy trì trong ngắn hạn, và yếu tố này sẽ tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận từ HĐKD của NKG nhiều hơn so với tác động lên HSG trong năm 2024. Giả định của chúng tôi xuất phát từ tỷ lệ chi phí vận tải/doanh số của NKG cao hơn so với HSG, do NKG tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu vì HSG đã thống trị thị trường trong nước
Mối tương quan đồng biến giữa giá cổ phiếu của các nhà sản xuất tôn mạ và giá HRC đã bị phá vỡ trong 13 tháng qua. Lợi nhuận của các nhà sản xuất tôn mạ Việt Nam, bao gồm NKG và HSG, phụ thuộc nhiều vào chênh lệch giá giữa HRC đầu vào và tôn đầu ra do quy trình sản xuất và chuỗi giá trị ngắn. Do đó, trước đây, giá cổ phiếu của HSG và NKG thường chạy cùng chiều với giá HRC do kỳ vọng về việc tăng/(giảm) giá HRC đầu vào sẽ có tác động tích cực/(tiêu cực) lên biên lợi nhuận và lợi nhuận của NKG và HSG. Tuy nhiên, mối tương quan đồng biến này đã thay đổi từ cuối tháng 3/2023, khi giá HRC điều chỉnh về mức trung vị dài hạn và hầu như đi ngang cho đến nay, nhưng giá cổ phiếu của NKG và HSG lại tăng trong cùng khoảng thời gian. Chúng tôi cho rằng mối tương quan này thay đổi do thị trường tin rằng giá tôn thép đã chạm đáy sau đợt điều chỉnh vào tháng 4 và tháng 5/2023 và sự phục hồi nối tiếp sau đó sẽ dẫn dắt doanh số, biên lợi nhuận và lợi nhuận tăng cao hơn.
Bình luận