Ngành thép qua cơn bĩ cực: Doanh nghiệp có lãi trở lại nhưng thách thức vẫn chực chờ
Sau hai quý cuối năm 2022 “ngụp lặn” trong thua lỗ, quý đầu năm 2023, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép đã có dấu hiệu hửng sáng khi một số “ông lớn” báo lãi trở lại và những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng vơi dần khoản lỗ.
Còn nhớ tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát từng cảnh báo kết quả kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp ngành thép sẽ rất “thê thảm” và không ngoài dự báo, số liệu từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong ngành đã cho thấy nhận định của ông Long là đúng.
Đến ĐHĐCĐ thường niên 2023, nhìn lại nhận định năm ngoái ông Long cho rằng “ngành thép năm 2022 không ngờ xấu hơn cả dự đoán”. Tuy nhiên, theo ông “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua” và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 1/2023 một lần nữa chứng minh nhận định chuẩn xác của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
“Ông lớn” ngành thép báo lãi trở lại sau hai quý thua lỗ
Trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành thép vẫn còn chịu ảnh hưởng của những dư âm khó khăn nửa cuối năm 2022, nhưng nhìn chung bức tranh lợi nhuận đã xuất hiện những điểm sáng và có sự cải thiện đáng kể so với hai quý liền trước.
Mặc dù lợi nhuận chỉ 383 tỷ đồng, giảm hơn 95% so với cùng kỳ nhưng nhìn vào bức tranh tài chính trong quý 1 vừa qua có thể thấy, kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã khả quan hơn rất nhiều so với mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng của hai quý cuối năm ngoái. Kết quả này cũng nằm ngoài dự báo Hòa Phát sẽ thua lỗ quý thứ ba liên tiếp của một số công ty chứng khoán.
Theo HPG, kết quả kinh doanh quý 1/2023 cải thiện chủ yếu là nhờ việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường. Thực tế, đến cuối quý 1, tồn kho của Hòa Phát đã giảm nhẹ so với đầu năm, xuống 34.307 tỷ đồng và dự phòng giảm giá tồn kho giảm mạnh gần 77% so với cuối năm ngoái từ mức 1.236 tỷ đồng xuống 288 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn cao và chi phí tài chính lớn vẫn là “gánh nặng” với Hòa Phát. Tại thời điểm cuối 31/3/2023, vay nợ của công ty tăng 4,7% so với đầu năm lên 60.659 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 50.354 tỷ đồng (tăng 7,7%), nợ vay dài hạn là 10.305 tỷ đồng (giảm 7,6%). Vay nợ tăng đã khiến cho chi phí lãi vay trong kỳ của công ty tăng gần 66% so với đầu năm, lên 990 tỷ đồng, ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Bù lại, công ty cũng thu về gần 537 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Khác niên độ tài chính nhưng cũng như Hòa Phát, trong 3 tháng đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã có lãi trở lại sau hai quý thua lỗ. Theo đó, quý đầu năm, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.082 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST đạt 251 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ và cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng lần lượt 887 tỷ và 680 tỷ đồng của hai quý trước đó.
So với kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ đồng và LNST chỉ 300 tỷ đồng năm 2023, sau quý đầu năm, Hoa Sen đã hoàn thành 19,7% mục tiêu doanh thu và gần 84% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Theo Hoa Sen, kết quả kinh doanh quý vừa qua cải thiện là do doanh nghiệp đã quản lý hiệu quả các loại chi phí.
Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (mã TVN) và CTCP Đầu tư Thương mại Thép SMC (mã SMC) cũng đều báo lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng nhưng lợi nhuận vẫn giảm sâu so với cùng kỳ.
Cụ thể, VNSteel báo LNST quý 1 giảm 65% xuống xấp xỉ 68 tỷ đồng, còn Thép SMC báo lãi sau thuế giảm 74% xuống gần 21 tỷ đồng. Tương tự, LNST của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) cũng đã dương trở lại, dù mức lãi giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,3 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) lại tiếp tục nối dài chuỗi 3 quý lỗ liên tiếp. Tuy nhiên, quý đầu năm công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lãi gộp đạt 138 tỷ đồng nên sau khi trừ các chi phí, mức lỗ quý 1/2023 của Nam Kim còn 49 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản lỗ 419 tỷ và 356 tỷ của hai quý cuối năm ngoái.
Quý 1/2023 cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của CTCP Thép Pomina (mã POM) và CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS). Theo đó, Pomina ghi nhận lỗ sau thuế 187 tỷ đồng trong quý 1/2023, thấp hơn nhiều so với số lỗ 461 tỷ của quý 4 và 716 tỷ của quý 3/2022. Còn với Tisco, quý đầu năm công ty báo lỗ sau thuế 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng và hai quý quý cuối năm ngoái lần lượt lỗ 25 tỷ đồng và 17,4 tỷ đồng.
Thách thức phía trước khi nhu cầu thép vẫn yếu
Dù giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua nhưng ngành thép nói chung và các doanh nghiệp trong ngành vẫn đối mặt nhiều thách thức trong ngắn hạn, nhất là sự suy yếu về nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng khi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý 1/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết do nhu cầu toàn thị trường thấp, nên kết quả kinh doanh tháng 1 và 2 của tập đoàn vẫn ghi nhận lỗ. Nhưng sang tháng 3, nhờ giá bán thép tăng nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã cải thiện.
Dữ liệu từ tradingeconomics cũng cho thấy, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc vào giữa tháng 3 đã leo lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng và tăng gần 26% so với thời điểm chạm đáy 2 năm vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã quay đầu và ở trong nước, theo VSA, từ ngày 7/4, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng từ 100.000 - 610.000 đồng/tấn, và chưa đầy 1 tuần sau, ngày 12/4, tiếp tục giảm thêm từ 150.000 - 720.000 đồng/tấn. Như vậy, sau hai đợt giảm liên tiếp, giá thép xây dựng hiện đang quanh mức từ 15,02 -16,88 triệu đồng/tấn (tùy sản phẩm, thương hiệu và khu vực thị trường).
VSA cho biết, giá thép xây dựng giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi.
Theo VSA, giá nguyên liệu sản xuất thép giảm là lý do để các doanh nghiệp sản xuất thép điều chỉnh giảm giá bán thép thành phẩm cho phù hợp với chi phí đầu vào. Ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm nữa.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research nhận định, trong vài quý tới, nhu cầu thép dự kiến sẽ vẫn yếu do những thách thức trong thị trường bất động sản. Theo Savills, số lượng căn hộ mới tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm 27% và 25% trong quý 1/2023. Tỷ lệ lấp đầy của hai khu vực trong quý cũng giảm đáng kể, chỉ còn từ 13%-15%.
Ngoài kênh dự án, kênh xây dựng dân dụng vốn ổn định hơn cũng có dấu hiệu giảm sút. Điều này có thể được phản ánh qua sự sụt giảm số lượng cấp phép xây dựng (-18%) tại TP.HCM trong quý 1/2023.
Cũng theo chuyên gia của SSI Research, giá thép ở Trung Quốc đã giảm hơn 10-15% so với mức đỉnh tháng 3 do nhu cầu phục hồi chậm hơn dự kiến, cùng với sự phục hồi của nguồn cung. Nhu cầu thép của Trung Quốc được WSA dự báo sẽ phục hồi khoảng 2% trong năm 2023, do diện tích sàn của các dự án bất động sản mới giảm 39% trong năm 2022 - ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng trong năm 2023.
Mặt khác, sản lượng sản xuất thép tại Trung Quốc trong quý 1/2023 ước tính tăng 6% so với cùng kỳ, đạt khoảng 262 triệu tấn. Do nguồn cung tăng nhanh hơn cầu, sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong quý 1/2023 tăng 53% so với cùng kỳ, gây áp lực lên giá trong khu vực.
Chuyên gia của SSI Research cho rằng, giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. Giá than đã giảm gần 30% kể từ mức đỉnh vào tháng 2. Ngoài ra, mức điều chỉnh giá thép trong nước gần đây (giảm 5%, tương đương khoảng 700 nghìn đồng/tấn) thấp hơn nhiều so với mức điều chỉnh giá phôi thép (giảm 18%, tương đương 2,7 triệu đồng/tấn) trong hai tháng qua. Bên cạnh đó, thuế tự vệ đối với phôi thép là 11,3% đã hết hiệu lực từ tháng 3/2023, điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng.
“Giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng kém tích cực đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép trong quý 2”, chuyên gia của SSI Research nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận