24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Duy Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành mía đường 'hồi sinh', cổ đông lại được nếm 'vị ngọt'

Sau khi các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu được áp dụng, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Cùng với đó là việc giá đường thế giới đang bật tăng mạnh trở lại giúp cổ phiếu mía đường đang trở nên “ngọt ngào” hơn.

Theo quan sát, nhóm cổ phiếu mía đường có dấu hiệu “hồi sinh” trở lại sau thời gian dài “ngủ sâu” trong bối cảnh giá đường thế giới đang hồi phục kể từ đầu tháng 6 đến nay, mặc dù vẫn có giai đoạn rơi vào điều chỉnh.

Cổ phiếu "ăn theo" tình hình kinh doanh

Đáng chú ý, cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) vẫn tăng bứt phá trong tuần qua, giữa bối cảnh dòng tiền tỷ đô mất hút trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể, cổ phiếu SBT tăng 8,4% từ 12.550 đồng/cp lên 13.600 đồng/cp trong vòng 1 tuần giao dịch. Trước đó, cổ phiếu SBT đã có 2 tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 giảm mạnh.

Về kết quả kinh doanh, tính chung cả niên độ tài chính 2023 - 2024, TTC AgriS ghi nhận 29.035 tỷ đồng doanh thu, 906 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 796 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 17%, 26%, 32% so với kết quả đạt được trong niên độ tài chính 2022 - 2023, qua đó vượt 41% kế hoạch doanh thu và 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trước đó, ban lãnh đạo TTC AgriS đã đưa ra ước tính doanh thu thuần cả niên độ 2023 - 2024 đạt 28.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 875 tỷ đồng.

Như vậy, kết quả kinh doanh thực tế trong cả niên độ 2023 - 2024 của TTC AgriS đã vượt mức dự báo, chính thức thiết lập mức cao kỷ lục mới về doanh thu và mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của công ty.

Hay như cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La cũng ghi nhận diễn biến tích cực trong tuần qua với “sắc xanh” tích cực phủ kín.

Kết quả kinh doanh cũng ghi nhận “màu sáng” khi niên độ 2023-2024, Mía đường Sơn La mang về 1.412 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế hơn 526 tỷ đồng, lần lượt đạt 135% và 284% so với kế hoạch.

Được biết, Mía đường Sơn La vừa thông báo về ngày cuối cùng để thực hiện quyền chi trả cổ tức niên độ 2023-2024 bằng tiền. Tỷ lệ thực hiện là 200%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 20.000 đồng. Đây cũng là mức chi cổ tức cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi lên sàn vào năm 2012. Với 9,79 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SLS cần chi gần 196 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả này.

CTCP Mía đường Lam Sơn (LASUCO, mã: LSS) trong niên độ tài chính 2023 - 2024 cũng ghi nhận lợi nhuận tăng cao khi báo lãi sau thuế 123,5 tỷ đồng - tăng gấp 4 lần so với niên độ trước, đồng thời góp phần đưa quỹ đầu tư phát triển của đơn vị vượt mốc 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà tăng giá của cổ phiếu LSS trong tuần qua lại “lép vế” so với 2 cổ phiếu SBT và SLS.

Trong khi đó, cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi cũng ghi nhận “sắc xanh” tích cực chiếm sóng tuần qua, nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không được “sáng” cho lắm khi đi ngược kỳ vọng, báo lãi “đi lùi”.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2024, doanh thu thuần của Đường Quảng Ngãi đạt 2.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 690 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,5% và 3% so với cùng kỳ.

Trước đó, sau quý I, nhiều tổ chức tài chính nhận định Đường Quảng Ngãi sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh giá đường nội địa neo cao.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Đường Quảng Ngãi đạt 5.343 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 19%, đạt 1.222 tỷ đồng, chủ yếu được hỗ trợ từ việc kết quả kinh doanh quý I/2024 ở mức tích cực. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên cao kỷ lục của công ty. So với kế hoạch đã đề ra, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành gần 90% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Tiếp tục những tín hiệu khả quan

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2023/24, các nhà máy trong toàn ngành đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với niên vụ 2022/2023, sản lượng mía ép niên vụ 2023/2024 tăng 17,9% và sản lượng đường tăng 18,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép tăng 66% và sản lượng đường tăng 61%.

Điều này cho thấy, kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Đáng chú ý, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), từ giá chỉ 0,85-0,9 triệu đồng/tấn năm 2020, hiện đã đến mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/tấn mía.

"Mức giá mua mía này đã tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực (so với giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 38,9 USD/tấn, tương đương 935.000 đồng/tấn, giá mua mía của ngành đường Việt Nam 1.267.993 đồng/tấn, cao hơn 35%). Nhờ đó, đã dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây", ông Lộc cho biết.

Mặt khác, giá đường thế giới đang bật tăng mạnh trở lại trong bối cảnh cháy rừng diễn ra dữ dội tại Brazil - quốc gia chiếm đến 49% lượng đường xuất khẩu trên toàn cầu được cho là “chất xúc tác” giúp cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam có kết quả kinh doanh “ngọt” hơn.

Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Brazil (ORPLANA) cho biết, đã xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy trong tuần cuối tháng 8/2024. Mặc dù mưa sau đó đã giúp giảm nguy cơ bùng phát thêm các đám cháy, nhưng vẫn có đến 60.000 ha diện tích mía đường bị phá huỷ.

ORPLANA cũng cảnh báo tình trạng cháy rừng hiện nay có thể kéo dài đến hết năm, gây tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng khi mía bước vào giai đoạn nảy mầm.

Theo ước tính sơ bộ từ hãng nghiên cứu thị trường Green Pool Commodity Specialists và công ty tài chính FG/A, sản lượng mía năm nay của riêng bang Sao Paulo, nơi chiếm đến 55% diện tích trồng mía đường của Brazil, có thể giảm 1,4%, tương đương việc thiệt hại 5 triệu tấn mía.

Tuy nhiên, SSI Research cũng đưa ra lưu ý, giá đường thế giới sẽ không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước trong ngắn hạn, do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và phải tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chặt chẽ cũng giúp giảm đáng kể nguồn cung đường nhập lậu từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

Mặc khác, SSI Research cũng lưu ý Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu đường để đảm bảo nguồn cung đường trong nước, đồng thời Thái Lan cũng giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu đường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.75 -0.05 (-0.42%)
50.70 +0.10 (+0.20%)
11.80 -0.05 (-0.42%)
177.90 +2.70 (+1.54%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả