Ngành bia đang thoái trào?
Ngành bia đang trải qua giai đoạn kinh doanh sụt giảm mạnh trong bối cảnh sức mua giảm cộng thêm việc siết chặt quy định kiểm soát nồng độ cồn từ cơ quan chức năng.
Ba năm trước, cứ mỗi dịp Tết đến, gia đình chị Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường mua khoảng 4-5 thùng bia để sử dụng và làm quà biếu, nhưng Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, gia đình chị chỉ mua một thùng để sử dụng. "Gia đình tôi chỉ dùng khoảng 6 lon bia để bàn thờ, còn lại vẫn nằm trong thùng từ Tết đến nay", chị Hạnh nói.
Trước thực trạng cơ quan chức năng siết quản lý nồng độ cồn, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang ưu tiên ngân sách cho những nhu cầu thiết yếu hơn so với việc tiêu thụ các loại đồ uống có cồn như bia, rượu.
Trong cuộc họp đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, cơ quan quản lý là Bộ Công Thương cũng thừa nhận do nhận thức của người dân về việc tuân thủ quy định khi sử dụng rượu bia, nên lượng tiêu thụ bia rượu năm nay đã giảm so với năm trước.
Qua thời huy hoàng?
Xu hướng giảm tiêu thụ đồ uống có cồn cũng được minh chứng rõ nhất trong báo cáo tài chính năm vừa qua của các doanh nghiệp, nhà máy bia trong nước lẫn các hãng bia ngoại kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Riêng 2 "ông lớn" ngành bia Việt là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HoSE: BHN) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống.
Với Bia Sài Gòn, năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 30.400 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán bia chiếm gần 90% doanh thu hợp nhất nhưng đã giảm 12% so với năm trước. Lãi ròng của hãng theo đó giảm 23%, đạt hơn 4.200 tỷ đồng.
Hai công ty con của nhà sản xuất này là CTCP Bia Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BSH) và CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (HoSE: SMB) cũng chứng kiến lãi ròng giảm lần lượt 25% và 16% trong năm vừa qua.
Ở khu vực phía Bắc, tình hình kinh doanh của các nhà máy bia cũng không thuận lợi hơn. Với Habeco, doanh nghiệp này vừa đã trải qua một năm kinh doanh đi lùi cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Năm vừa qua, chủ thương hiệu Bia Hà Nội nhận hơn 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 8% so với năm 2022. Lãi ròng thậm chí giảm hơn 29%, đạt 355 tỷ đồng.
Một loạt công ty con quản lý các nhà máy bia của Habeco cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đi xuống năm qua. Trong đó, CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) năm 2023 lợi nhuận ròng giảm hơn 40%; CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (HNX: THB) cũng bị giảm lợi nhuận gần một nửa.
Ngoài Habeco và Sabeco, ông lớn bia ngoại tại thị trường Việt Nam là Heineken cũng chứng kiến sự sụt giảm về doanh số. Năm 2023, sản lượng bia của hãng trên toàn cầu đã giảm 4,7%, trong đó, Việt Nam và Nigeria chiếm hơn 60% mức sụt giảm.
Khó khăn bủa vây
Trong báo cáo gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch hiệp hội, đánh giá ngành đồ uống là ngành rất nhạy cảm với sức khỏe tài chính của nền kinh tế nói chung và thu nhập của người tiêu dùng nói riêng.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực tới nguồn nguyên liệu của ngành, giá nguyên vật liệu tăng 15-30% ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp phải tăng giá bán 8-10% cao hơn tỷ lệ lạm phát 4%, cao hơn mức tăng trung bình của ngành hàng tiêu dùng 8% để bù đắp lại các chi phí tăng thêm và dẫn đến sức mua giảm, kéo theo sản lượng sản xuất giảm", lãnh đạo VBA nhìn nhận.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hiệp hội cũng chỉ rõ ngành bia, rượu đang chịu tác động của nhiều chính sách dẫn tới hạn chế tiêu dùng sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng bia, rượu trong các nhà hàng, quán ăn... như Nghị định 100/2019. Bên cạnh đó, ngành đồ uống có cồn cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi như giảm 2% thuế VAT.
Việc siết quy định nồng độ cồn khiến doanh thu của các nhà hàng, quán nhậu và doanh nghiệp sản xuất bia, rượu sụt giảm.
Thêm nữa, VBA đánh giá từ đầu năm nay, các doanh nghiệp còn phải thực hiện trách nhiệm đóng góp phí bảo vệ môi trường không nhỏ để tái chế bao bì trong điều kiện doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Ngoài ra, vấn nạn đồ uống có cồn không chính thống đang lưu thông chiếm tới gần 64% tổng lượng tiêu thụ cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia, rượu.
Tìm cách xoay xở
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 2, ban lãnh đạo Sabeco tỏ ra thận trọng về triển vọng năm 2024 của ngành bia. Theo đó, doanh nghiệp này dự báo có sự chuyển dịch trong tiêu dùng của khách hàng từ kênh tiêu dùng tại chỗ sang kênh mua về.
Tuy vậy, Sabeco vẫn bày tỏ quan điểm tích cực về triển vọng dài hạn, với lý do có một đội ngũ trẻ và thị trường năng động của Việt Nam, nơi vẫn bị chi phối bởi tiêu thụ bia. Hãng cho biết vẫn chưa thấy sự thay đổi có ý nghĩa trong hành vi tiêu thụ của người tiêu dùng từ bia sang các sản phẩm thay thế như rượu vang hay bia không cồn.
Về kênh bán hàng, từ tháng 11/2023, Sabeco đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Dù số lượng bán qua các nền tảng này chỉ chiếm số ít trong năm 2023, hãng vẫn kỳ vọng đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024.
Ngoài ra, lãnh đạo Sabeco đánh giá Việt Nam vẫn là thị trường chiếm ưu thế về tiêu thụ thức uống có cồn.
Không riêng Sabeco, hiện hầu hết nhà sản xuất bia trong nước và các hãng bia ngoại có kinh doanh tại thị trường Việt Nam đều đã mở gian hàng chính thức trên các trang thương mại điện tử. Doanh số bán hàng quá kênh online của các hãng tuy chỉ đóng góp một phần nhỏ vào doanh số chung nhưng đang ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh.
Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, các hãng bia đang đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Báo cáo YouNet ECI cho thấy hiện có hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được bày bán trên các sàn thương mại điện tử. Riêng trên sàn Shopee - nền tảng thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam - trong 6 tháng cuối năm ngoái, doanh thu ngành bia đã tăng 154% so với nửa đầu năm. Tính trong cả năm, doanh thu các sản phẩm bia trên sàn đạt tổng cộng 351 tỷ đồng.
Đơn vị này nhận định trong lúc nhiều hãng bia lớn bị giảm doanh thu, thương mại điện tử nổi lên như một kênh mới, mang lại tiềm năng tăng trưởng cao.
Bên cạnh việc mở thêm kênh phân phối online, một số hãng bia cũng tìm giải pháp thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu hoặc phát triển các sản phẩm mới.
Chẳng hạn, Habeco đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm bia, đây là một trong những trọng tâm phát triển trong tầm nhìn chiến lược của hãng. Hồi tháng 12/2023, container bia đầu tiên của Habeco đã chính thức xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi đó, Heineken đã bắt đầu chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Hiện hãng đang đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị cho dòng sản phẩm "bia không độ cồn" thời gian gần đây.
Không chỉ Heineken mà một số hãng bia khác cũng bắt đầu đẩy mạnh phát triển sản phẩm nước trái cây, bia không cồn. Chẳng hạn, Sagota thuộc Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây, công ty liên kết của Sabeco, cũng đã ra mắt dòng sản phẩm không có độ cồn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận