Ngân hàng Singapore nhận định gì về vụ sụp đổ của SVB?
Về nguyên nhân khiến SVB sụp đổ, UOB nhận định là do chiến dịch tăng lãi suất liên tục của FED từ 3/2022 để chống lạm phát đã chấm dứt kỷ nguyên lãi suất thấp.
Ngày 17/3, Ngân hàng UOB (Singapore) có báo cáo nhận định về vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Theo UOB, rủi ro lây lan được giảm thiểu đáng kể nhờ các phản ứng về chính sách, dù được tiếp diễn vài ngày sau đó với việc đóng cửa Ngân hàng Singature ở New York.
Theo UOB, SVB được xếp hạng là một trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất Hoa Kỳ, sự sụp đổ của nó làm dấy lên lo ngại có thể gây ra rủi ro lây lan trong ngành và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, rủi ro được giảm thiểu nhờ các giải pháp phối hợp mới nhất được Kho bạc Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và FDIC hỗ trợ tài chính.
Về nguyên nhân khiến SVB sụp đổ, UOB nhận định là do chiến dịch tăng lãi suất liên tục của FED kể từ tháng 3/2022 để chống lạm phát đã chấm dứt kỷ nguyên lãi suất thấp. Chi phí đi vay liên tục tăng đã làm giảm động lực huy động vốn và lợi nhuận của các công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp vốn là cơ sở khách hàng chính của SVB.
Ngoài ra, lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị trái phiếu dài hạn mà SVB đã mua trong thời kỳ lãi suất thấp, gần như bằng không. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của SVB được bán với mức lỗ 1,8 tỷ USD.
FED sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách chống lạm phát và đẩy mạnh chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp FOMC vào ngày 21-22/3 tới.
Trong khi đó, với nguồn vốn cung cấp cho hoạt động đầu tư mạo hiểm và quỹ thị trường đang dần cạn kiệt, các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ buộc phải rút tiền gửi tại SVB để trả lương cho nhân viên cũng như các nhà cung cấp.
Khi tốc độ rút tiền gửi tăng nhanh, các trái phiếu an toàn thường được bán lỗ để đáp ứng nhu cầu rút tiền, và những khoản lỗ đó cộng lại đến mức SVB trở nên mất khả năng thanh toán. Vào ngày 9/3, SVB cũng đã thất bại trong việc huy động thêm hơn 2 tỷ USD thông qua các nhà đầu tư bên ngoài để bù đắp khoản lỗ từ việc bán trái phiếu, dẫn đến việc đóng cửa.
Nhận định thị trường tài chính sắp tới, UOB cho rằng, với tác động hệ thống và rủi ro lây lan đối với lĩnh vực tài chính Mỹ đã giảm đáng kể sau các giải pháp phối hợp, FED sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách chống lạm phát và đẩy mạnh chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp FOMC vào ngày 21-22/3 tới, là hoàn toàn có cơ sở.
“Chúng tôi dự đoán lãi suất cơ bản của FED sẽ tăng 25 điểm trong mỗi cuộc họp của FOMC vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 và tháng 7 trước khi tạm dừng ở mức cuối cùng là 5,75%”, báo cáo của UOB nêu.
Tuy nhiên, các diễn biến mới nhất và sự không chắc chắn của thị trường có thể là chất xúc tác để FED giảm bớt kế hoạch thắt chặt tiền tệ của mình, vì các đợt tăng lãi suất mạnh kể từ tháng 3/2020 đang bắt đầu gây ra những hậu quả tiêu cực đối với chính các công ty Hoa Kỳ, trong khi các thị trường mới nổi như ASEAN đã cố gắng vượt qua sự biến động của thị trường tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận