Nếu MSB - PGB về chung 'một nhà'...
Tương tự với đợt sáp nhập MDB 8 năm trước, thương vụ M&A PGB, nếu có, được kỳ vọng sẽ giúp MSB gia tăng mạnh mẽ tiềm năng phát triển, trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực buôn tiền ngày càng gay gắt, và không có nhiều dư địa vươn tầm cho các nhà băng Top sau.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, với nội dung đáng chú ý hơn cả là tờ trình về việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng trong nước.
MSB cho biết tổ chức tín dụng dự kiến sáp nhập là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình, có chất lượng tín dụng tốt.
Trên thị trường, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về danh tính mục tiêu của MSB, là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UpCOM: PGB).
Cùng thời điểm, vào ngày 7/4 tới đây tại Sở GDCK TP.HCM (HoSE), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ đấu giá toàn bộ 120 triệu cổ phần, tương đương 40% cổ phần PGBank, với mức khởi điểm 21.300 đồng/CP. Theo công bố mới đây của HoSE, có 16 nhà đầu tư đã đăng ký mua đấu giá PGB với tổng khối lượng gần 213 triệu đơn vị, cao hơn 80% khối lượng chào bán.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PGB đã có đà tăng mạnh mẽ trong 2 tháng qua, với mức tăng lên tới 44%. Những diến biến dồn dập nêu trên càng củng cố giả thiết về một cuộc "hôn nhân" giữa hai nhà băng này.
Kịch bản M&A càng được củng cố khi PGB và MSB đều có mối liên hệ nhất định, nếu không muốn nói là chặt chẽ.
Trên website của mình, Tập đoàn TNG Holdings giới thiệu 2 công ty liên kết trong lĩnh vực ngân hàng chính là MSB và PGB. Tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4/2022 của PGBank, có tới 96% cổ phần tham dự - tỷ lệ cô đặc bậc nhất trong làng ngân hàng thương mại hiện nay. Trong đó, như đã biết, Petrolimex chỉ nắm 40%.
Trong cơ cấu HĐQT 9 người của PGBank, thì có 3 đại diện của Petrolimex, bao gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Định, trong khi có tới 4 người có liên hệ mật thiết tới nhóm MSB, là Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch TNPower, TGĐ TNG Asset), Thành viên Nguyễn Phi Hùng (từng là Phó TGĐ MSB), Thành viên Nilesh Banglorawala (cựu Kế toán trưởng MSB), và Thành viên Oliver Schwarzhaupt (từng là Phó TGĐ MSB).
Trong Ban điều hành, ông Nguyễn Phi Hùng (thành viên HĐQT, cựu Phó TGĐ MSB) hiện đứng đầu với vai trò TGĐ, ngoài ra còn có Phó TGĐ Hoàng Xuân Hiệp - cựu Phó TGĐ MSB. Ở Ban kiểm soát, nhóm này có một đại diện là Thành viên Dương Ánh Tuyết (từng là Phó TGĐ MSB).
Sự hiện diện mạnh mẽ của nhà chủ MSB phần nào giải thích cho những cuộc "hôn nhân" bất thành giữa PGBank với Vietinbank, MBBank rồi sau này là HDBank. Trong đó, thương vụ HDBank - PGBank thậm chí đã được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc. Nhà băng của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã cử ông Lý Quang Vinh sang làm Thành viên HĐQT PGBank từ cuối năm 2019, nhưng rồi thương vụ đi vào ngõ cụt.
Vào cuối năm 2021, một tập đoàn bất động sản lớn ở phía Nam đã muốn đầu tư vào PGBank, tuy nhiên sau đó phải rút lui trước mức giá mà nhóm chủ tư nhân của nhà băng này đưa ra.
Trước đó, vào đầu năm 2021, diễn biến loạt lãnh đạo MSB chuyển sang đảm trách vai trò điều hành, quản trị tại PGBank dẫn tới đồn đoán trên thị trường về một thương vụ hợp nhất giữa hai nhà băng. Dù vậy, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh thời điểm đó đã khẳng định không có chuyện này.
“Một số lãnh đạo cũ của Ngân hàng đã sang làm việc tại PGBank nhưng các nhân sự này đều đã kết thúc hợp đồng tại MSB. Vì vậy, việc nhân sự cũ của MSB sang PGBank không liên quan gì tới chuyện sáp nhập của ngân hàng này”, ông Linh cho biết.
Vị CEO MSB đã không nói sai, ít nhất trong suốt 2 năm qua. Và quả thật, MSB khi đó không có nhiều lý do để sáp nhập PGBank, khi mà mỗi một "licence" ngân hàng đều rất có giá; Các tập đoàn tư nhân lùng mua ngân hàng từ Bắc vào Nam, đặc biệt trong giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp nóng sốt.
Nhưng hoàn cảnh hiện nay đã khác rất nhiều, khi những vết rạn trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần dần lộ rõ, và Ngân hàng Nhà nước đang mạnh tay thanh lọc hệ thống, siết chặt sở hữu chéo và cho vay sân sau. Về tiềm năng tăng trưởng, các ngân hàng nhỏ như PGBank ngày càng bị bỏ xa trong cuộc đua thị phần, lợi nhuận, trong khi các ngân hàng cỡ trung bình như MSB cũng chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, không có nhiều dư địa vươn tầm.
Cuộc "hôn nhân" này bởi vậy được kỳ vọng sẽ mở ra viễn cảnh tích cực cho cả hai bên. Với MSB là dư địa phát triển lớn, như cách nhà băng này hợp nhất với Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) năm 2015. Còn với PGB, đây sẽ là dấu mốc quan trọng, kết thúc nhiều năm đằng đẵng chờ đợi của hàng nghìn cán bộ, nhân viên.
Tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng
Ở Việt Nam, nhà chủ MSB là những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng. Nhà băng này từng đồng thời sở hữu 9,98% cổ phần PGBank, 4,83% cổ phần MBBank, 4,66% cổ phần PVCombank. Tất nhiên, đây mới là tỷ lệ sở hữu trực tiếp từ MSB, nếu cộng cả các cá nhân, pháp nhân cùng nhóm, con số thực sẽ còn ấn tượng hơn đáng kể. Ở một ví dụ, nhóm MSB - Hoá Cốc Tây Giang từng nắm tới gần 32% cổ phần PVCombank vào đầu năm 2018.
Trong một thương vụ ít người biết, nhà chủ MSB từng là thế lực âm thầm nhưng đáng gờm tại VPBank vào đầu thập niên trước, trước khi nhường lại sân chơi cho đội chủ hiện hữu của VPBank. VPBank thời gian dài sau đó vẫn tài trợ cho các hoạt động của nhóm này, đặc biệt là nhận thế chấp hàng trăm triệu lượt cổ phần MSB.
Trở lại với PGBank, tỷ lệ sở hữu đáng kể không chỉ giúp nhóm cổ đông tư nhân nắm quyền định đoạt số phận PGBank, mà còn biến thành nhà băng này dần trở thành một kênh cấp vốn cho các dự án của mình, như cách MSB đã và đang tiến hành trong suốt nhiều năm qua. Ở chiều ngược lại, một số lượng lớn cổ phần PGB đang được nhóm này thế chấp tại...chính MSB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận