MWG, PNJ hưởng lợi thế nào từ xu hướng tăng trưởng của ngành bán lẻ?
Triển vọng ngành bán lẻ là một trong những lý do quan trọng nhất khiến MWG, PNJ nhận được sự ưu ái từ giới đầu tư.
Trong số các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ngành bán lẻ với đại diện tiêu biểu là MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động và PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, không chỉ trong năm 2019 và dự báo sẽ "hot" cả trong năm 2020.
Triển vọng ngành bán lẻ là một trong những lý do quan trọng nhất khiến các cổ phiếu trên nhận được sự ưu ái từ giới đầu tư.
Nhìn lại năm 2019, số liệu 10 tháng cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.083 ngàn tỷ đồng (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái), nếu loại trừ yếu tố giá, thì mức tăng đạt 9,4%. Tăng trưởng chính đến từ nhóm sản phẩm Văn hóa – Giáo dục, Thực phẩm và Gia dụng.
Những đô thị cấp 1-2 đang cho thấy tốc độ tăng trưởng cao (trên 15%) so với các trung tâm kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM (khoảng 12%)
Bên cạnh đó, mạng lưới bán lẻ hiện đại (tăng trưởng 19% về giá trị) tăng trưởng mạnh hơn kênh truyền thống (tăng trưởng 5% về giá trị).
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện có 6 xu hướng chính chi phối ngành bán lẻ.
Thứ nhất, tâm lý tiêu dùng đang trở lên tích cực, người tiêu dùng có xu hướng dần chuyển sang phân khúc cao cấp. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, đạt đỉnh vào quý III/2019
Cùng với đó, thu nhập bình quân gia tăng với tốc độ cao thứ nhì khu vực, khiến người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn (thể hiện qua tăng trưởng sản lượng) và dịch chuyển qua phân khúc cao cấp hơn, trở nên khắt khe hơn về chất lượng.
Thứ hai là xu hướng già hóa và thu nhập tăng khiến người dân hướng tới sự tiện lợi và tốt cho sức khỏe. Nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm hữu cơ ngày một gia tăng tại các đô thị lớn. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu gia tăng với quỹ thời gian hạn hẹp hơn đang chú trọng mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi hay mua sắm trực tuyến.
Thứ ba là xu hướng thâm nhập sâu của internet đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng sang hướng mua sắm trực tuyến. Các mặt hàng mua sắm nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm, sách và điện thoại di động. Tuy nhiên, những món đồ có giá trị cao và đồ tươi sống vẫn có xu hướng mua trực tiếp.
Thứ tư, độ phân mảnh tại nông thôn vẫn còn nhiều tạo ra dư địa cho các nhà bán lẻ hiện đại. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ truyền thống (bao gồm cửa hàng nhỏ lẻ, chợ cóc) vẫn chiếm tỷ lệ khá cao tại Việt Nam, tại thành thị chiếm hơn 60%, tại nông thôn chiếm hơn 90%.
"Trên thực tế, các cửa hàng thuộc mô hình hiện đại mới chỉ tập trung tại một số nhóm ngành nhất định như điện thoại di động, điện máy, dược phẩm, thực phẩm đồ uống… Có thể thấy, thị trường bán lẻ vẫn còn rất nhiều các sản phẩm vẫn đang trong tình trạng phân mảnh chờ được khai phá", chuyên gia của VCBS nhận định.
Xu hướng thứ năm là các nhà bán lẻ liên tục thử nghiệm để tìm ra mô hình bán hàng tối ưu, sau đó nhanh chóng mở rộng số lượng cửa hàng sau khi công thức thành công và dần mở rộng về các đô thị cấp 2 – nơi đang bị chiếm hữu bởi mô hình bán lẻ truyền thống.
Thứ sáu, bán hàng đa kênh và mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng do mạng lưới bán hàng vật lý dần bị hạn chế bởi quỹ đất và giá thuê.
Đồng quan điểm với VCBS, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá cao triển vọng bán lẻ dựa trên nhận định rằng tầng lớp trung lưu và giàu có đang phát triển nhanh, cũng như cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng giúp thúc đẩy thói quen tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn như thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe hay các loại hàng hóa xa xỉ để phục vụ cho nhu cầu tự thể hiện.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho các chuỗi bán lẻ hiện đại, vốn cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ khách hàng tốt hơn các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ và chợ truyền thống.
"Có thể nhận thấy sự chuyển dịch rõ rệt sang kênh bán lẻ hiện đại trong xu hướng mua sắm. Hơn nữa, sự thâm nhập của internet tốc độ cao và điện thoại thông minh trong giới trẻ cho phép nhà bán lẻ tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh hơn, mở đường cho sự phát triển của bán hàng đa kênh trong tương lai – là mô hình có thể tận dụng mạng lưới cửa hàng vật lý rộng khắp", chuyên gia của VDSC cho hay.
Trong báo cáo nhận định về thị trường bán lẻ, VDSC cũng nhấn mạnh thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô lớn (ước tính 160 tỷ USD) nhưng rất phân mảnh, đang bị chi phối bởi kênh bán lẻ truyền thống. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ lớn với năng lực quản lý chuỗi và khả năng tài chính vượt trội đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới để thiết lập sự thống trị của mình. Đơn cử là MWG với thực phẩm và hàng tiêu dùng, FPT Retail với dược phẩm và PNJ với trang sức thời trang.
Tuy nhiên, VDSC cũng chỉ ra một số rủi ro ngành bán lẻ có thể phải đối mặt.
Đầu tiên là sức mua giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại hoặc suy thoái kinh tế.
Thứ hai, môi trường lãi suất tăng làm tăng chi phí tài chính của các nhà bán lẻ, vốn phụ thuộc nhiều vào nợ ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động.
Cuối cùng là áp lực cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại do những lo lắng về chất lượng sản phẩm trong nước, cùng thói quen ưa thích sử dụng sản phẩm nhập khẩu và các nhãn hiệu tên tuổi nước ngoài của người tiêu dùng.
Tương tự như VCSC, VDSC cũng đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của hai "ông lớn" ngành bán lẻ là MWG và PNJ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận