Margin tăng mạnh nhưng chưa đủ sức gây rủi ro cho thị trường?
Dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cuối năm 2020. Bước sang tháng 6, margin tăng tiếp lên 120 nghìn tỷ đồng. Đà tăng mạnh của dư nợ margin phần nào khiến giới đầu tư lo lắng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. Trao đổi trên Talkshow Phố Tài chính, nhiều thành viên trên thị trường cũng như cơ quan quản lý cho rằng margin vẫn đang ở mức cho phép.
Theo nhận định của ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), đến thời điểm quý I/2021 thì tổng vốn chủ sở hữu của các công ty có thể cho vay là khoảng 90 nghìn tỷ. Tức là nếu nhân đôi lên, sẽ được cho vay ký quỹ 180 nghìn tỷ. Như vậy, dư nợ cho vay ký quỹ hiện nay đang ở mức khoảng 1,4 lần trên vốn chủ sở hữu.
"Giới hạn ở đây là các công ty được cho vay không quá 200% vốn chủ sở hữu, do vậy xét về mặt khung pháp lý là vẫn ở mức an toàn", ông Hà cho biết.
"Trong khoảng 100 khách hàng gia nhập thị trường chứng khoán năm đầu tiên, thì có khoảng 18% khách hàng sử dụng margin, đến năm thứ 3 thì sẽ có khoảng 45%. Quy mô cho vay margin ở mức hiện tại là mức chưa có rủi ro. Tôi nghĩ rằng sẽ còn tăng tiếp và tăng theo nhu cầu của nhà đầu tư", ông Hà nêu quan điểm.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ SGI, thì cho biết hơn 112 nghìn tỷ đồng margin tương đương khoảng 5 tỷ USD, tức khoảng hơn 2% tổng giá trị vốn hóa thị trường.
Mức này thấp hơn nhiều đợt tăng nóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào thời điểm năm 2014 – 2015, khi đó rất nhiều nhà đầu tư mở mới tài khoản, margin tăng rất mạnh, đạt khoảng 3,5% tổng vốn hóa thị trường. Tại thị trường Mỹ, từ năm 2008 đến năm 2020, margin nằm ở khoảng 2,5% đến 3,1% .
"Theo đó, tổng lượng margin mà nhà đầu tư đang dùng ở thị trường chứng khoán Việt Nam tính trên vốn hóa không phải là mức độ bong bóng, cũng thậm chí chưa phải mức độ cao so với mặt bằng các nước trên thế giới", ông Phúc nói.
Nhìn ở góc độ thanh khoản giao dịch, mức độ tăng trưởng margin thị trường chậm hơn mức độ tăng trưởng của quy mô giao dịch rất nhiều. "Có nghĩa là nhà đầu tư mới vào thị trường đã mang đến những tài khoản tiền mặt mà không giao dịch bằng margin, thì mới có chuyện là thanh khoản tăng mà margin không tăng", ông Phúc nhấn mạnh.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông tin rằng cơ quan quản lý vẫn giám sát rất chặt chẽ mức độ cho vay kí quỹ của các công ty chứng khoán. Tính đến thời điểm tháng 6/2021, tổng giá trị cho vay kí quỹ của các công ty chứng khoán là khoảng 120 nghìn tỷ đồng, tức là vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn của pháp luật về mức cho vay ký quỹ. Số lượng tài khoản bị bán giải chấp do giá chứng khoán xuống thấp cũng không nhiều.
"Điều đấy thể hiện rằng bản thân nhà đầu tư và các công ty chứng khoán cũng hoàn toàn tự điều tiết rủi ro và tự điều tiết margin của mình trước khi nhà quản lý cần phải có giải pháp hành chính lên vấn đề này. Đấy là một trong những khía cạnh để chúng tôi đánh giá chất lượng nhà đầu tư, chất lượng thị trường đã tăng cao hơn rất nhiều so với những năm đầu của thị trường chứng khoán", bà Bình cho hay.
“Talk Show Phố Tài Chính" là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình có sự tham gia Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE, HNX, VSD, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp niêm yết và các nhà đầu tư… Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài Chính. BTV Mùi Khánh Ly, gương mặt quen thuộc trong các bản tin Kinh tế, Tài chính, là host của Talkshow Phố Tài chính. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường