M&A thêm mỏ đá mới, Tracodi (TCD) đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông
Nắm bắt chủ trương, chính sách của Chính phủ về đầu tư cho hạ tầng, HĐQT Tracodi đưa ra chiến lược táo bạo trong thời kỳ mới: Trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc BOT.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp Vận tải (Tracodi, mã TCD - sàn HOSE) cho biết tại cuộc gặp trực tuyến với cổ đông, nhà đầu tư cuối tuần qua.
Ông Hùng cho biết, Công ty xác định thực hiện mục tiêu kép: tiếp tục giữ vững vị thế tổng thầu thi công, xây lắp trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông, đồng thời tham gia, trở thành nhà đầu tư hạ tầng, từ đó có dòng tiền, nguồn thu ổn định.
“Tham gia các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP hoặc BOT cho phép chúng tôi có dòng tiền thu ổn định từ thu phí BOT hoặc các nguồn thu khác. Đây là mục tiêu kép mà HĐQT Công ty xác định”, ông Hùng chia sẻ.
Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2021, trước đó Nghị định 28/2021/NĐ-CP về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Chính phủ ban hành, được giới chuyên gia đánh giá, đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư hạ tầng giao thông.
Cụ thể, nếu như trước đây các nhà đầu tư PPP phải bỏ toàn bộ vốn đầu tư dự án hạ tầng giao thông, có quy mô rất lớn khiến phần lớn doanh nghiệp “quá sức”, thì nay quy định mới cho phép địa phương chủ động cân đối ngân sách để đảm bảo tỷ lệ vốn 50:50 cho các dự án. Điều này có nghĩa là, thay vì phải lo 100% vốn như trước kia, các chủ đầu tư dự án PPP chỉ cần lo 50% vốn, giải tỏa được áp lực và bế tắc lâu nay.
Hiện nay, TCD và công ty mẹ BCG đang khảo sát, lập quy hoạch đề xuất chính quyền tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông lớn từ TP HCM về Tiền Giang, qua Long An. Ngoài ra, TCD đã đề xuất khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi dự án “Trục kết nối trung tâm TP. Sóc Trăng đến cảng Trần Đề”. Dự án có chiều dài 20 km, với thiết kế 8 làn xe và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ngoài năng lực thi công đáp ứng các công trình cấp I của quốc gia, lợi thế của TCD khi chuyển hướng thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông là sở hữu mỏ đá lớn tại An Giang. Ngoài liên doanh khai thác đá Antraco với công suất 1,5 triệu tấn/năm, TCD đang thực hiện M&A một mỏ đá khác tại miền Nam và tiếp tục có kế hoạch M&A các mỏ vật liệu khác.
Theo ông Bùi Thiện Phương Đông, Tổng giám đốc TCD, sau khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ, trên các công trường xây dựng của TCD, việc thi công để có sản lượng lớn trong quý IV đang được quyết liệt triển khai.
Ví dụ, tại Dự án Hội An D’or (Quảng Nam), thời điểm này có gần 700 công nhân được chia làm 3 ca thi công liên tục trên công trường. TCD đã ký với chủ đầu tư gói thầu thi công 202 căn shohouse và hạ tầng nội khu với giá trị 447 tỷ đồng.
Dự án khởi công vào tháng 4/2021, khu shophouse đã cất nóc cuối tuần qua và hạ tầng dự án đã thi công được 7%. Gói thầu Dự án Casa Marina tại Bình Định có giá trị 1.600 tỷ đồng, TCD đã thi công nhà mẫu, đang làm hạ tầng giai đoạn 1…
Đáng chú ý, TCD cũng triển khai các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu điện mặt trời áp mái. Công ty đã triển khai hợp đồng các dự án điện mặt trời áp mái trang trại với Vinamilk quy mô 7,6 MW trị giá 103 tỷ đồng. Quý III vừa qua, Tracodi ký tiếp hợp đồng với Vinamilk dự án quy mô 14,8 MW, trị giá 216 tỷ đồng. Trong quý IV, Công ty sẽ ký tiếp hợp đồng thi công điện mặt trời áp mái quy mô 6,65 MW tại khu công nghiệp Linh Trung 3 (Tây Ninh).
“Tracodi sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Chúng tôi đang nỗ lực để đạt mục tiêu mới, đồng thời tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo”, ông Nguyễn Thanh Hùng khẳng định với các nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận