menu
Lý do giá phân bón dự báo sẽ tăng mạnh và các giải pháp bình ổn
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do giá phân bón dự báo sẽ tăng mạnh và các giải pháp bình ổn

Gần đây giá nhiều loại phân bón đã bật tăng trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo, giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Những áp lực khiến giá phân bón tăng

Theo Kinh tế và Đô thị, qua khảo sát thị trường, giá đạm ure Cà Mau, Phú Mỹ, Hà Bắc và nhiều loại ure nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia đang được bán ra ở mức 780.000 - 840.000 đồng/bao 50kg. Trong khi đó, giá nhiều loại DAP, Kali, NPK tiếp tục duy trì ở mức cao. Phân bón NPK 20-20-15 Con Cò và nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc có giá 1.350.000 - 1.450.000 đồng/bao; Kali nhập khẩu từ Nga và Canada có giá bán lẻ tại nhiều nơi ở mức 990.000 - 1.100.000 đồng/bao.

Theo thống kê, hiện cả nước cần khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Trong khi năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khoảng 4 triệu tấn.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, hiện giá phân bón trong nước và thế giới đang chịu nhiều áp lực tăng giá. Đầu tiên do Nga và Trung Quốc là những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu phân bón lớn nhất. Tuy vậy sản lượng xuất khẩu phân bón của Trung Quốc giảm mạnh từ tháng 9/2021 sau lệnh cấm xuất khẩu, và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đã làm hạn chế nguồn cung phân bón trên toàn cầu.

Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với ure ban đầu được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa. Hiện tại, tồn kho ure của Trung Quốc tại cảng đang thấp hơn 60% so với mức trung bình 10 năm. Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022.

Lý do giá phân bón dự báo sẽ tăng mạnh và các giải pháp bình ổn
Nhiều chuyên gia dự báo, giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ từ internet

Theo phân tích của hãng Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 - 500.000 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, thị trường phân bón Nitơ của châu Âu đang làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá ở Bắc Mỹ khi hàng loạt các nhà máy cắt giảm sản lượng vì thiếu hụt nguồn cung.

Ở một diễn biến khác, sau khi căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra, các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga gồm hoãn đường ống dẫn khí Nord Stream 2; bắt buộc thanh toán khí bằng đồng Ruble; hạ dần sản lượng khí nhập khẩu từ Nga trong các năm tiếp theo đã khiến cho việc duy trì đủ lượng khí đốt của EU trở nên khó khăn hơn. Việc thiếu hụt nguồn cung khí trong khi nhu cầu vẫn cao đã khiến giá khí tại châu Âu tăng vọt. Giá khí tự nhiên đã tăng 4,37 USD/MMBtu hay 117,19% từ đầu năm 2022 đến ngày 12/9/2022.

Giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh khi giá khí duy trì ở mức cao. Với giá khí như hiện tại, nhiều nhà máy đã đóng các dây chuyền sản xuất Ammonia hoặc sản xuất phân ure vì giá bán không bù được chi phí. Ước tính khoảng gần 30% công suất sản xuất ure bị cắt giảm và gần 25% công suất sản xuất Ammonia bị cắt giảm.

“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, chúng tôi dự đoán giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao”, ông Phùng Hà đưa ra dự báo.

Duy trì tối đa công suất, ổn định nguồn cung trong nước

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước.

“Đến nay, các doanh nghiệp đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình giá và nguồn cung phân bón còn diễn biến phức tạp, ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến.

Cùng với đó, để giảm giá phân bón, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hòa lợi ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất.

Đồng quan điểm về việc tăng cường nguồn cung, giảm giá thành phân bón, TS Phùng Hà cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước; các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.

“Theo kinh nghiệm cho thấy khi bảo đảm tốt sản xuất trong nước như 4 nhà máy sản xuất urea, DAP, phân bón chứa lân,… chúng ta có thể chủ động và vững vàng vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu phân bón, của xung đột trên thế giới, hay do lệnh cấm vận…”, TS Phùng Hà nêu dẫn chứng và đề nghị xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, về phía cộng đồng, người dân cũng cần tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để phát triển phân hữu cơ, giảm một phần phụ thuộc vào phân vô cơ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai giám sát giá cả trên thị trường, bảo đảm giá cả để không biến động quá, làm ảnh hưởng thị trường phân bón...

Đào Vũ (T/h)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả