Lợi nhuận VN30 phân hóa: Công nghệ ngược hướng các công ty đầu ngành
Sự biến động của những biến số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất trong và ngoài nước đang gia tăng sức ép lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp lớn ngược sóng, giữ nhịp tăng trưởng cao và đều đặn ở mức hai con số.
Công nghệ ngược dòng tăng trưởng so với “ông lớn” trong nhiều lĩnh vực
Nhìn một cách tổng quan, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán đang có tín hiệu kém sắc trong quý III. Theo chuyên gia Dragon Capital, lợi nhuận sau thuế của 80 công ty niêm yết lớn nhất mà quỹ này theo dõi chỉ tăng 4.2% so với cùng kỳ nhưng giảm 9.4% so với quý liền trước.
Việc nền kinh tế phong tỏa do dịch COVID-19 trong quý III năm ngoái tạo mức nền thấp, dẫn đến việc so sánh với cùng kỳ năm trước đó không có nhiều ý nghĩa bằng tương quan với quý kế trước.
Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất cũng báo cáo lợi nhuận quý III sụt giảm với quý II/2022. Nhóm đứng thứ hai về quy mô vốn hóa là bất động sản chịu tác động về kết quả kinh doanh khi đối mặt với biến số như lãi suất tăng, lực cầu thị trường suy yếu…
Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp trong rổ VN30 đi ngược xu hướng chung, giữ nhịp tăng trưởng cao so với cùng kỳ và quý liền trước. Thống kê cụ thể, có 11/30 doanh nghiệp VN30 có lợi nhuận cao hơn quý II và quý III/2021. Những cái tên trong nhóm này có FPT, Vinhomes, VPBank, Sacombank.
Trong đó, FPT là 1 trong 4 công ty VN30 có mức tăng trưởng hai con số trong hai phép so sánh trên trong khi nhiều ông lớn đầu ngành thép, bất động sản, hàng tiêu dùng nhanh ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm khi so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III, FPT ghi nhận doanh thu 11,147 tỷ đồng, cao nhất từ quý IV/2017. Lãi ròng đạt 1,757 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi lên sàn năm 2006. So với quý liền trước và cùng kỳ, lợi nhuận quý III của FPT tăng trưởng lần lượt 12.4% và 27.9%.
Báo cáo tháng 10 của FPT công bố mới đây cho thấy tín hiệu khởi sắc. Tổng doanh thu 10 tháng đạt hơn 35,100 tỷ đồng, tăng 24.4%. Lãi sau thuế là 5,541 tỷ đồng, tăng 28.2%. Hai mảng công nghệ và viễn thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của FPT.
Toàn cảnh kết quả kinh doanh của FPT 10 tháng đầu năm (đơn vị: tỷ đồng)
Doanh thu 10 tháng của khối công nghệ đạt hơn 20,000 tỷ đồng, tăng trưởng 23.7% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng xuất khẩu phần mềm tăng 30%, đóng góp từ các thị trường Mỹ (46%) và APAC (46,6%). Doanh thu tính theo đồng Yên tại thị trường Nhật Bản tăng 26.4% khi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn sau thời gian dài phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh năm 2022 và dự báo FPT vượt nhẹ chỉ tiêu đưa ra với sự dẫn dắt của nhóm công nghệ. Định giá mục tiêu cho cổ phiếu FPT vẫn ở ngưỡng ba con số, cao hơn 56% thị giá trên sàn. Vậy đâu là động lực tăng trưởng của FPT trong giai đoạn tới?
Thị trường nước ngoài nhiều cơ hội tăng trưởng
Trở lại với dự báo của Bản Việt, dự phóng biên lợi nhuận ròng tăng từ 12.3% năm 2022 lên 13.5% năm 2023 và 14.2% cho năm kế tiếp. Trong bối cảnh bức tranh kinh doanh được dự báo nhiều biến động, dự báo của Bản Việt phản ánh chiều hướng tích cực về hoạt động kinh doanh của ông lớn làng công nghệ Việt.
Với mảng công nghệ, Chứng khoán Bản Việt đánh giá khả quan về hoạt động xuất khẩu phần mềm. Mức giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành ở Ấn Độ vẫn là lợi thế cạnh tranh của FPT trên thị trường xuất khẩu phần mềm.
Ngoài canh tranh về giá, nặng lực thực hiện, nguồn nhân lực chất lượng cao, việc cung cấp một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tổng thể và toàn diện từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.
Xét theo từng thị trường, doanh thu từ Nhật Bản dự báo tăng 30% so với năm nay, bất chấp biến động tiền tệ. 9 tháng đầu năm 2022 giá trị hợp đồng mới tại thị trường này tăng 50% (chưa điều chỉnh tác động tỷ giá).
Còn với thị trường Mỹ, dự kiến doanh thu tăng trưởng 30% trong năm 2023.
Thị trường trong nước vẫn được đánh giá tích cực nhờ nhu cầu ở mức cao. Bản Việt báo cáo kỳ vọng giải ngân ngân sách công nghệ thông tin từ khu vực công sẽ tăng tốc giai đoạn 2023 – 2024. FPT đã và đang thảo luận và/hoặc ký kết các dự án chuyển đổi số với 24 tỉnh thành tại Việt Nam. Ở nhóm tư nhân, nhu cầu từ khách hàng là các ngân hàng và tổ chức dịch vụ tài chính đối với chuyển đổi số vẫn tăng trưởng bền vững.
An Giang, địa phương thứ 24 trên toàn quốc, FPT ký kết hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Còn với mảng viễn thông, động lực tăng trưởng dài hạn cho mảng viễn thông của FPT tiếp tục là phát triển hệ sinh thái cơ sở hạ tầng và công nghệ đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối. FPT còn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu đám mây vào năm 2023.
Khối Giáo dục của FPT, lĩnh vực được xem là "thiết yếu" trong mọi thời kỳ, tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt và còn nhiều tiềm năng khi FPT tiếp tục mở rộng quy mô của chuỗi cơ sở đào tạo liên cấp và cao đẳng đến các tỉnh thành trọng điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận