Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc mạnh trong quý 2/2023
Lợi nhuận sau thuế của 11/27 Ngân hàng niêm yết duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ tăng 3,5%, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trong quý 1 11,6%...
Tính đến ngày 14/7/2023, đã có 94 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 40,9% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã có báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh Q2/2023 và 6T2023, với tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 2 ước giảm 18,8% so với cùng kỳ.
Với ngành Ngân hàng, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm tốc đáng kể. Lợi nhuận sau thuế của 11/27 Ngân hàng niêm yết duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ tăng 3,5%, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trong quý 1 11,6%.
Sự suy giảm về lợi nhuận của LPB chưa mang tính đại diện cho ngành, nhưng phần nào cho thấy thực tế kinh doanh kém đi của các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng thấp khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu đơn hàng, NIM thu hẹp và áp lực trích lập dự phòng gia tăng ở nhiều ngân hàng. Đây là một trong các yếu tố khiến dòng tiền trên thị trường chưa thực sự “mặn mà” với cổ phiếu Ngân hàng thời gian gần đây.
Tính toán về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng trong lần cập nhật này chủ yếu dựa trên số ước tính, do đó, con số thực tế có thể sẽ thay đổi khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính Q2/2023.
Với khối Phi tài chính: Điện, đặc biệt Điện than, là ngành đáng chú ý. Thủy điện Sông Ba (SBA) và Nhiệt điện Hải Phòng (HND) có lợi nhuận sau thuế giảm sâu so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) giảm nhẹ 1,3%. Điểm khác biệt đó là SBA ghi nhận mức giảm sâu 74,1% do sản lượng điện chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi El Nino, nhưng QTP và HND cùng chứng kiến lợi nhuận giảm cho dù doanh thu tăng trưởng cao.
Doanh thu của QTP và HND tăng lần lượt là 53,5% và 26,4% nhờ sản lượng điện huy động và giá bán cùng tăng. Tuy nhiên, biên EBIT giảm mạnh, từ 13,2% trong Q2/2022 về 7,5% trong Q2/2023 đối với QTP và giảm một nửa về 6,1% đối với HND, khiến lợi nhuận sau thuế của 2 doanh nghiệp điện than giảm lần lượt là 1,3% và 35,4%. Chi phí than tăng mạnh trong kỳ và tỷ lệ sản lượng thanh toán theo giá hợp đồng áp dụng (tỷ lệ alpha) cho năm 2023 thấp hơn trước đây là lý do chính khiến biên EBIT thu hẹp. Theo HND, EVN đề xuất tỷ lệ alpha chỉ là 75%.
Trong tháng 4-5/2023, bình quân giá than mà TKV và TCT Đông Bắc bán cho các nhà máy điện tăng +28,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nhiên liệu than chiếm khoảng 90% chi phí nguyên vật liệu ở các nhà máy nhiệt điện than, nên mức tăng giá than như vậy tác động đáng kể đến biên lợi nhuận của nhóm này khi tỷ lệ alpha ở mức thấp hơn.
Cổ phiếu Nhiệt điện than bao gồm HND và QTP gần đây thu hút được sự quan tâm trên thị trường chứng khoán với kỳ vọng hoạt động kinh doanh tích cực hơn nhờ hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại. Giá cổ phiếu HND và QTP tăng lần lượt 22,7% và 44,7% từ đầu năm, cao hơn so với diễn biến của VN-Index (+16%). Tuy nhiên, báo cáo tài chính Q2/2023 cho thấy kết quả kinh doanh này kém hơn dự báo gần đây của một số bên phân tích, khiến 2 cổ phiếu này quay đầu giảm điểm.
Trên thực tế, mặc dù giảm so với cùng kỳ, nhưng cần lưu ý rằng quý 2/2023 đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất của HND và QTP trong 4 quý gần đây. Điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp nhiệt điện than này đang dần cải thiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận