Lăng kính chứng khoán 28/6: Tránh bán hoảng loạn
Nếu thị trường trở lại diễn biến tiêu cực hơn đi kèm với thanh khoản gia tăng, nhà đầu tư cần đề cao quản trị rủi ro, tiếp tục quan sát và tránh bán hoảng loạn.
Nhận định đầu tư
Việc thanh khoản duy trì ở mức thấp cũng vẫn là yếu tố đáng lo ngại trong ngắn hạn nên nếu thị trường trở lại diễn biến tiêu cực hơn đi kèm với thanh khoản gia tăng, nhà đầu tư cần đề cao quản trị rủi ro. Do đó, Aseansc cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và tránh bán hoảng loạn trong phiên.
Nhìn chung, tâm lý thị trường đang chịu nhiều áp lực từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế. Sự tiếp tục bán ròng của khối ngoại và thanh khoản suy yếu là những tín hiệu cần chú ý, cho thấy sự thiếu vững chắc trong đà hồi phục. Hơn nữa, ngày 28/6 là phiên giao dịch cuối tuần, rất có thể thị trường sẽ rung lắc mạnh.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, hàng tiêu dùng có sự phục hồi tốt, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán chưa thu hút được dòng tiền.
Tin vắn chứng khoán
- Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD. Dự báo, xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn về vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
Với mục tiêu hướng đến xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 và 12 tỷ USD và năm 2030, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường.
- Cao su biến động trái chiều. Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 1,12% xuống mức 344,3 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 27/6 (giờ Việt Nam).
Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 572,28 nghìn tấn, giảm 2,4% về lượng so với cùng kỳ 2023.
Lượng cao su xuất khẩu giảm là do nhu cầu nhập khẩu giảm từ một số thị trường lớn, nhất là thị trường Trung Quốc, nước nhập khẩu và tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận