Lạm phát của Mỹ tăng cao hơn dự báo, tiệm cận ngưỡng cao nhát 40 năm
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, thước đo phổ biến giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, tăng 8,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo 8,1% của giới chuyên gia. CPI tháng qua tuy tăng thấp hơn so với tháng 3, nhưng vẫn tiệm cận ngưỡng cao nhất 40 năm.
Lạm phát cơ bản, không tính tới giá năng lượng và thực phẩm, tăng 6,2%, cao hơn 0,2% so với dự báo.
Lạm phát chính là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đại dịch. Làn sóng tăng giá đã lan từ nhiên liệu và hàng hóa tiêu dùng sang thị trường nhà ở và nhiều lĩnh vực khác.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần tăng lãi suất trong năm nay nhằm kiểm soát lạm phát. Cơ quan này cũng đánh tiếng về những đợt tăng lãi suất tiếp theo cho tới khi lạm phát giảm xuống thấp hơn ngưỡng mục tiêu 2%. Tuy nhiên, dữ liệu vừa mới công bố cho thấy Fed còn rất nhiều công việc phải làm.
So với tháng 3, lạm phát toàn phần tăng 0,2%, trong khi lạm phát cơ bản tăng 0,6%. Cả hai chỉ số này đều tăng cao hơn so với dự báo trước đó.
Lạm phát vẫn tăng cao dù giá năng lượng đã giảm 2,7% trong tháng qua. Giá xăng giảm 6,1%. Chỉ số thực phẩm của Cục thống kê lao động tăng 0,9% trong tháng. Trong 12 tháng gần nhất, giá năng lượng vẫn tăng tới 30,3%, giá thực phẩm tăng 9,4%.
Giá nhà tăng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Chỉ số giá nhà, có tác động lớn tới công thức đo lường CPI, tăng 0,5%. Trong một năm qua, chỉ số này tăng 5,1%, nhanh nhất từ tháng 3/1991.
Hợp đồng tương lai thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trước báo cáo lạm phát tháng 4. Lợi suất trái phiếu tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tiệm cận ngưỡng 3,03%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận