Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 10/2021?
Lãi suất ngân hàng gửi theo hình thức trực tuyến sẽ có mức hấp dẫn hơn so với gửi trực tiếp tại quầy.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?
Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy:
- Ở mức thời hạn từ 1-3 tháng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%.
- Với kỳ hạn 6 tháng Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam ( CBBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc dân ( NCB) giữ mức lãi suất là 6,25%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.
- Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất 6.8%
- Với những kỳ hạn dài hơn như 18, 24 tháng, ngân hàng SCB, NCB có mức lãi suất cao nhất là 6,8%.
- Kỳ hạn 23 và 36 tháng, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) có mức lãi suất 7%/năm, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.
Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:
- Với kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm trực tuyến có khá nhiều lãi suất ngân hàng hiện nay ở mức hấp dẫn lên đến 4% như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bắc Á ( Bac A Bank), Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), SCB, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
- Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 3,5%.
- Với các kỳ hạn từ 6-24 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất. Cụ thể, ngân hàng này niêm yết kỳ hạn 6 tháng: 6,45%, 12 tháng,18 tháng: 6,95%.
- Hiện tại, hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến có mức lãi suất tiền gửi các ngân hàng hấp dẫn hơn gửi tiền mặt tại quầy.
Mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm
Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, nhưng các biện pháp hỗ trợ khác, trong đó bao gồm tăng hạn mức tín dụng sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020 và tương đương với mức tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Như vậy, mặc dù giảm tốc trong hai tháng trở lại đây, nhưng nhìn chung mức tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia kinh tế, động lực cho tăng trưởng tín dụng 8 tháng phần nào nhờ việc cắt giảm lãi suất cho vay và các gói hỗ trợ cho vay giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh từ khối ngân hàng thương mại trong thời gian qua.
Mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và điều chỉnh lãi suất phù hợp theo đúng cam kết.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, 16 ngân hàng này đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 31/8, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.
Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ ngày 15/7-31/8 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19. Đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận