Kỳ vọng 'sóng' cổ phiếu ngành thép kéo dài sang 2024
Trải qua một năm thị trường “chao đảo”, không ít nhóm ngành ghi nhận mức sụt giảm. Ngược lại vẫn xuất hiện một vài điểm sáng ghi nhận tốc độ hồi phục tốt so với đầu năm, trong đó có cổ phiếu ngành thép. Các chuyên gia của các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận xét tích cực và cho rằng cơ hội đối với nhóm cổ phiếu thép sẽ còn kéo dài hết năm 2024.
Sau khi giảm sâu trong năm 2022, thị giá nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành thép duy trì xu hướng đi ngang trong 5 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 đến nay, hầu hết các mã cổ phiếu đua nhau tăng tốc.
Cổ phiếu bứt phá
Điển hình có thể kể đến như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim, TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam… Trong đó, “cổ phiếu quốc dân” HPG liên tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại, đi ngược với xu hướng bán ròng làm chủ đạo của khối này từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, trong 3 mã cổ phiếu có vốn hoá và thanh khoản cao nhất nhóm thép (HPG, HSG và NKG), cổ phiếu NKG đang cho thấy hiệu suất đầu tư vượt trội hơn. Kết phiên 25/12 ở mức 24.100 đồng/cp, tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối tháng 10, còn so với vùng đáy tháng 11/2022, NKG cho hiệu suất đầu tư lên tới 200%.
Trong khi đó, cổ phiếu HPG đạt mức tăng 17% so với thời điểm cuối tháng 10 và tăng 125% so với tháng 11/2022. Với HSG, mức tăng lần lượt là 24% và 170%.
Có thể thấy, năm 2022 là một năm kém may mắn với các doanh nghiệp thép khi giá thép giảm, nhiều doanh nghiệp báo lỗ kéo theo giá cổ phiếu giảm mạnh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen báo lỗ trong quý III và IV/2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ trong năm 2023.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết quý III/2023, sản lượng tiêu thụ thép của các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ vào sự phục hồi của ngành thép, các doanh nghiệp như Hòa Phát đã báo lợi nhuận ròng quý III/2023 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 1.800 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Không chỉ ở thị trường trong nước, xuất khẩu thép cũng gặp thuận lợi, nhất là khi bất động sản tại Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định trở lại, là điểm sáng cho việc tiêu thụ các kim loại trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có thép.
Theo số liệu của VSA, trong tháng 11/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022; bán hàng thép các loại đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 25 triệu tấn, giảm 7,8%; tiêu thụ thép đạt 23,7 triệu tấn, giảm 5,6%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thép đạt 7,4 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu của thép Việt chủ yếu là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đài Loan.
Hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định, giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại, giai đoạn khó khăn nhất với ngành thép đã qua và các dấu hiệu phục hồi đang xuất hiện… giúp cổ phiếu nhóm thép tăng giá mạnh so với thị trường chung. Những nỗ lực này đã đưa nhóm cổ phiếu thép xếp vào nhóm đầu tư có triển vọng nửa cuối năm 2023.
Cơ hội "bay cao" trong năm 2024
Sang năm 2024, giới phân tích kỳ vọng xu hướng phục hồi của thị trường thép sẽ tiếp diễn, nhưng tốc độ có thể chậm do các khó khăn của thị trường bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để.
Mặc dù vậy, ngành thép nhìn chung có triển vọng sáng hơn, dựa vào các yếu tố như đầu tư công giai đoạn 2024 - 2025 sẽ được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hút dòng vốn FDI theo xu hướng chuyển dịch đầu tư của thế giới; mức nền tốt của mảng xuất khẩu thép trong năm 2023 có thể được duy trì trong năm 2024 nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu thế giới và việc một số nền sản xuất thép lớn vẫn đang trong thời kỳ cắt giảm sản lượng sau giai đoạn suy thoái.
Theo ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán Kafi, việc giá nguyên liệu và giá bán có xu hướng tăng có thể giúp các công ty được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ, trong đó các doanh nghiệp đầu ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng giá. Kết quả của xu hướng tăng giá bán thép có thể được thể hiện qua việc cải thiện biên lợi nhuận của nhóm các doanh nghiệp ngành thép trong quý IV/2023 và quý I/2024.
“Biên lợi nhuận của ngành thép vẫn tiếp tục được cải thiện cho đến giai đoạn nửa sau 2024, khi nền kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào giai đoạn phục hồi”, ông Phước nêu.
Về triển vọng ngành thép năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA dự báo, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Đánh giá về nhóm cổ phiếu thép, hầu hết các chuyên gia của các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận xét tích cực và cho rằng cơ hội đối với nhóm cổ phiếu thép sẽ còn kéo dài hết năm 2024.
“Nhóm ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm vừa qua và đang trong quá trình hồi phục. Cơ hội lớn sẽ đến với những doanh nghiệp đầu ngành nhiều hơn và có thể năm sau là năm đáng chú ý với ngành thép. Dù giá nhiều cổ phiếu nhóm ngành thép đã phục hồi 15 - 20% trong giai đoạn cuối năm nhưng cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này vẫn còn và có thể kéo dài qua năm 2024”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nêu quan điểm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Chứng khoán VPS nhận xét, trước biến động của giá thép trong năm 2023, giá cổ phiếu thép đã phục hồi mạnh kể từ đầu năm, vươn tới vùng đỉnh cũ của đầu tháng 9/2023, tuy nhiên còn cách khá xa so với đỉnh của năm 2021.
Tiềm năng tăng trưởng cho giai đoạn tới của nhóm này được ghi nhận từ 8 - 10%, đặc biệt nửa đầu năm 2024. Một số cổ phiếu cần quan tâm như HPG, HSG, NKG...
“Nhà đầu tư nên tham gia đầu tư nhóm thép với tầm nhìn dài hạn trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Theo đó có thể chờ đợi cơ hội thị trường điều chỉnh để mua được mức giá thấp và có chiết khấu tốt”, ông Khánh khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận