Kinh tế Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm lại?
Mức tăng không đạt kỳ vọng trong quý 3 phản ánh một loạt thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt. Đó là các quy định siết chặt đối với thị trường bất động sản khiến hoạt động trong ngành này sụt giảm; tình trạng thiếu điện kéo dài trên diện rộng; và mối lo tiếp diễn về Covid-19 gây sức ép lên tiêu dùng.
Kinh tế Trung Quốc dường như đang bước vào một thời kỳ tăng trưởng giảm tốc kéo dài, khi Bắc Kinh nỗ lực triển khai các cải cách dài hạn đầy tham vọng. Mức độ giảm tốc có thể lớn đến mức buộc nước này phải có những bước lùi chính sách nhất định.
Quý 3 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 5,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng không đạt kỳ vọng phản ánh một loạt thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt. Đó là các quy định siết chặt đối với thị trường bất động sản khiến hoạt động trong ngành này sụt giảm; tình trạng thiếu điện kéo dài trên diện rộng; và mối lo tiếp diễn về Covid-19 gây sức ép lên tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế đã lường trước được sự giảm tốc quý 3 của kinh tế Trung Quốc vì hiệu ứng cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm 2020 đã không còn. Trong quý 1 và quý 2 năm nay, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng tương ứng 18,3% và 7,9% so với một năm trước đó, một phần do sự sụt tốc chóng mặt cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, sự giảm tốc này rất có thể sẽ không phải là ngắn hạn mà sẽ kéo dài do kinh tế Trung Quốc giờ đây đương đầu cùng lúc nhiều khó khăn hơn so với trước kia. Câu hỏi đặt ra lúc này, theo tờ Wall Street Journal, là liệu những rủi ro – bao gồm cả những nhân tố nằm trong dự kiến và không thuộc dự kiến – có gây trở ngại đối với tăng trưởng đến mức khiến Bắc Kinh phải có sự điều chỉnh chính sách nhất định.
THAM VỌNG CẢI CÁCH VẤP PHẢI MỘT LOẠT THÁCH THỨC
Sau giai đoạn sụt giảm chóng vánh vì đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng và trở thành nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới đạt tăng trưởng GDP dương cả năm 2020. Tháng 3 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức 6% cho cả năm 2021 – một con số mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là thận trọng bởi nếu xét đến cơ sở so sánh thấp là mức tăng chỉ 2,3% của năm 2020.
Với mục tiêu tăng trưởng dè dặt, Trung Quốc phát tín hiệu rõ muốn sử dụng dư địa chính sách để xử lý những vấn đề tồn đọng lâu năm trong nền kinh tế, bao gồm kiểm soát tình trạng vay nợ tràn lan của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng như theo đuổi các mục tiêu tham vọng về khí hậu và kiểm soát chặt hơn hành vi của các công ty công nghệ lớn – vấn đề được cho là nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Dù vậy, khi triển khai các nỗ lực cải cách này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể đã chưa tính đến mức độ ảnh hưởng của các yếu tố khác đến tăng trưởng, bao gồm sự bùng dịch Covid do biến chủng Delta, những nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và giá than tăng chóng mặt. Tất cả những yếu tố đó đều gia tăng sức ép lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
Ở thời điểm này, Bắc Kinh đang chú trọng cải cách dài hạn, nhưng với kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào đầu năm tới, những mối lo về tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn rất có thể lại nổi lên thành một vấn đề cấp bách. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ buộc phải nới chính sách tài khoá và tiền tệ sớm hơn hoặc mạnh hơn so với kế hoạch, nhằm đảm bảo rằng sự giảm tốc của nền kinh tế trong nửa sau của năm nay không vượt khỏi tầm kiểm soát và kéo dài sang năm 2021 – theo các chuyên gia kinh tế.
“Không giống như năm nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong năm tới sẽ phải đưa trọng tâm trở lại với duy trì tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, ông Larry Hu, nhận định.
Ông Hu dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng chậm lại trong quý 4 này và Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% hoặc cao hơn một chút cho năm 2022. “Điều đó có nghĩa là từ nay đến hết năm 2021, họ sẽ phải nới một số chính sách”, ông Hu nói. Hiện tại, một số chuyên gia kinh tế vẫn tương đối lạc quan rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay, nhưng một số khác đã bắt đầu cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nước này.
Trung tuần tháng 10, Ngân hàng ING giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 4 còn 4,3%, từ mức dự báo 4,5% trước đó. ING cho biết có thể tiếp tục cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc nếu Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) không can thiệp.
Tháng 9, Nomura Holdings mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn 3% trong quý 4, từ mức dự báo tăng 4,4% trước đó, trên cơ sở tác động của các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản và tình trạng thiếu điện.
BẮC KINH SẼ KIÊN ĐỊNH VỚI CẢI CÁCH?
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, nhà phân tích cấp cao Charlene Chu thuộc Autonomous Research nói rằng trong hai quý tới đây, Trung Quốc rất có khả năng rơi vào tình trạng “stagflation” – tăng trưởng trì trệ kết hợp với lạm phát cao. Bà Chu nhấn mạnh rằng chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/1996 khi dữ liệu này bắt đầu được đưa vào thống kê. Cùng với đó, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Theo bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis, cho dù chỉ tăng 3,2% trong quý 4 thì kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 7,8% trong cả năm nay. “Bởi vậy, vấn đề nằm ở năm 2022, nhất là trong nửa đầu năm do hiệu ứng cơ sở so sánh rất bất lợi”, vị chuyên gia nói, nhắc đến mức tăng 18,3% và 7,9% của kinh tế Trung Quốc tương ứng trong quý 1 và quý 2 năm nay. Đây là những con số đặt ra một ngưỡng so sánh rất cao cho tăng trưởng hai quý đầu năm tới.
Một vấn đề khiến giới chuyên gia lo ngại hiện nay về kinh tế Trung Quốc là cuộc khủng hoảng nợ chưa có hồi kết ở công ty bất động sản khổng lồ China Evergrande Group. Dù giới chức Trung Quốc vẫn nói rằng ảnh hưởng của “bom nợ” Evergrande nằm trong tầm kiểm soát, đã có những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng lan rộng trong ngành bất động sản – lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế nước này nếu tính cả các ngành liên quan. Số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán nhà của các công ty phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc đều giảm 20-30% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng đối với Evergrande, mức giảm doanh số là 97%.
Ông Louis Kujis, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc Oxford Economics, nói rằng sự suy giảm của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục “đè nặng lên tăng trưởng” kinh tế Trung Quốc trong những tháng sắp tới. Oxford hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 4 và cả năm nay còn tương ứng 3,6% và 8%, từ mức 5% và 8,4% trước đó.
Trung tuần tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói nước này “có đầy đủ công cụ” để giải quyết cách thách thức hiện tại và lạc quan về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 là 6% trở lên. Giới chức Trung Quốc cũng bác bỏ những lo ngại về sự suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản và nói cuộc khủng hoảng thiếu điện chỉ là vấn đề tạm thời, cho rằng hai vấn đề này ảnh hưởng không nhiều đến toàn bộ nền kinh tế.
Nếu sức ép suy giảm tăng trưởng gia tăng nhanh hơn những gì mà Bắc Kinh dự kiến, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải nới chính sách tài khoá và tiền tệ, đồng thời nới bớt hạn chế đối với thị trường bất động sản, chẳng hạn giảm lãi suất vay mua nhà.
Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ từ bỏ những nỗ lực dài hạn về kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các lĩnh vực như bất động sản, công nghệ, và dạy thêm học thêm. Nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ kiên định với chiến lược cải cách vì cho rằng giá nhà tăng cao và chi phí học tập leo thang là gánh nặng cho tầng lớp trung lưu, khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận