menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Khuyến nghị cổ phiếu 4/11

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đầu tư đối với một số mã cổ phiếu cho phiên giao dịch ngày 4/11 như: HT1, SSI, PNJ, ACV, ACB...

HT1: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 10.190 đồng/cổ phiếu

Quý III/2022, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1(HoSE: HT1) công bố doanh thu thuần đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 118% so với cùng kỳ), tăng mạnh so với mức nền cơ sở thấp của năm ngoái nhưng giảm 5% theo quý do hoạt động xây dựng suy giảm. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ lên 37 tỷ đồng, từ mức lỗ 20 tỷ đồng trong quý III/2021.

Sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý III/2022 là 1,7 triệu tấn (tăng 80% so với cùng kỳ, nhưng giảm 7% so với quý trước), với giá bán bình quân là 1,3 triệu đồng/tấn (tăng 21% theo năm và đi ngang so với quý trước). Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker của HT1 lần lượt đạt 5 triệu tấn và 370 nghìn tấn, đạt 78% và 65% kế hoạch của công ty.

Do giá than đầu vào tăng cao, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm đáng kể xuống 8,4% trong quý III/2022, từ mức 13,4% trong quý 2/2022. Giá than đầu vào tăng trong quý III (tăng 11% so với quý trước), và gần gấp đôi so với cùng kỳ. Do hoạt động xây dựng chững lại nên giá bán xi măng cho khách hàng khó có thể tăng để bù đắp cho giá nguyên liệu đầu vào tăng lên.

Trong 9 tháng năm 2022, tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam đạt 49 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ, nhờ mức so sánh thấp của năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu xi măng cả nước tiếp tục suy giảm, cụ thể sản lượng xuất khẩu trong 3 quý đầu năm đã giảm 28% so với cùng kỳ xuống 24 triệu tấn, điều này làm gia tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa.

Với việc thị trường bất động sản và xây dựng tiếp tục suy yếu từ quý III/2022, Công ty Chứng khoán SSI dự báo sản lượng tiêu thụ xi măng của HT1 năm 2023 sẽ gần như đi ngang so với mức tiêu thụ của năm 2022.

Giá than toàn cầu đã giảm khoảng 10% kể từ cuối tháng 9 năm 2022. Chi phí than chiếm khoảng 40% giá thành sản xuất xi măng trong quý III năm 2022. Do đó, giá than giảm sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp cho công ty trong quý IV/2022.

SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của HT1 lần lượt đạt 8,7 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ) và 261 tỷ đồng (giảm 37% so với cùng kỳ). Sản lượng tiêu thụ xi măng dự báo sẽ tăng 10% so với cùng kỳ vào năm 2022, phục hồi từ mức cơ sở thấp trong quý III/2021 do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc.

Tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ giảm từ 13,3% năm 2021 xuống 9,7% năm 2022 do giá than tăng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế dự báo giảm 37% so với cùng kỳ xuống 261 tỷ đồng. Do giả định rằng giá than sẽ giảm 10% so với mức đỉnh hình thành trong năm 2022, SSI cho rằng lợi nhuận của HT1 sẽ chạm đáy vào năm 2022 và tăng trở lại lên 400 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ) vào năm 2023.

HT1 hiện đang giao dịch với P/E dự phóng là 15,1 lần vào năm 2022 và 9,8 lần vào năm 2023. SSI đặt mức P/E mục tiêu là 10 lần và EV/EBITDA mục tiêu là 4 lần, với việc tính đến lãi suất chiết khấu tăng lên. Giá mục tiêu 1 năm mới của SSI là 10.190 đồng/cổ phiếu (tương đương với tiềm năng tăng giá 1%). Công ty chứng khoán này duy trì khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu HT1.

SSI cho rằng cổ phiếu trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về giá than, khi giá than giảm có thể dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong quý IV/2022 (tăng 19% so với cùng kỳ) và đẩy mạnh đầu tư công dự kiến vào năm 2023.

SSI: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 26.092 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) đạt 337 tỷ đồng (giảm 20% so với quý trước / giảm 51% so với cùng kỳ). Trong 9 tháng năm 2022, SSI chỉ mới hoàn thành 40% dự báo lợi nhuận cả năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta. Yuanta cũng cho rằng dự báo này hiện SSI khó có thể hoàn thành.

Thu nhập từ nghiệp vụ môi giới giảm mạnh giảm 64% so với quý trước / giảm 86% so với cùng kỳ còn 42 tỷ đồng trong quý III/2022. Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới giảm giảm 25% so với quý trước / giảm 49% so với cùng kỳ, nhưng chi phí nghiệp vụ môi giới lại giảm ít hơn. Yuanta cho biết xu hướng này đã được lưu ý trong quý II/2022. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này không được công bố, nhưng có thể là do bị tác động bởi các khoản chi phí cố định tương đối cao (chi phí nhân sự).

Yuanta ước tính phí môi giới gộp của SSI đạt 18 điểm cơ bản (giảm 1 điểm cơ bản so với quý trước / đi ngang so với cùng kỳ) nhưng phí môi giới ròng giảm chỉ còn 2 điểm cơ bản (giảm 3 điểm cơ bản so với quý trước/giảm 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong quý III/2022.

Những số liệu này được ước tính dựa trên giá trị giao dịch quý III/2022 và thị phần của SSI trên HoSE (9,6%), HNX (6,3%) và UPCoM (6,1%). Ước tính của Yuanta có thể bị sai lệch chỉ trong một quý duy nhất, nhưng công ty chứng khoán này vẫn cho rằng SSI đã quay trở lại với chiến lược chấp nhận hi sinh lợi nhuận từ hoạt động môi giới để tiếp tục giành lấy thị phần.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 406 tỷ đồng (giảm 16% so với quý trước / giảm 6% so với cùng kỳ). Một lần nữa, đây là mảng có đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của công ty.

Dư nợ ký quỹ là 15,6 nghìn tỷ đồng (tăng 6% so với quý trước / giảm 15% so với cùng kỳ) và chiếm 34% tổng tài sản của SSI, tương đương với 9,8% thị phần của tổng dư nợ ký quỹ trên toàn thị trường vào cuối quý III/2022.

Dựa trên con số bình quân dư nợ ký quỹ vào cuối kỳ, Yuanta ước tính lãi suất cho vay là 10,7% trong quý III/2022 (giảm 4 điểm cơ bản so với quý trước / tăng 69 điểm cơ bản so với cùng kỳ), mức chênh lệch so với chi phí huy động vốn gần như đi ngang trong bối cảnh chi phí huy động vốn tăng.

Lãi 47 tỷ đồng từ giao dịch tự doanh trong quý III/2022 (so với quý II/2022 lỗ và tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước). SSI ghi nhận lỗ ròng 69 tỷ đồng từ việc đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL và lãi ròng 116 tỷ đồng từ việc bán các tài sản này.

Yuanta nâng quan điểm lên tích cực đối với ngành chứng khoán, trong đó SSI là lựa chọn hàng đầu. Giá cổ phiếu tăng vào tháng 7-8, nhưng sau đó tiếp tục giảm trở lại do niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.

Cơ cấu phân bổ tài sản của SSI có thể là một rủi ro trong quý IV/2022 do tài sản FVTPL hiện đang chiếm đến 47% tổng tài sản (so với quý II/2022 là 40% và quý III/2021 là 29%). Nhu cầu vay ký quỹ giảm và lãi suất tiền gửi tăng hàm ý rằng SSI có thể sẽ tăng tỷ trọng tài sản nắm giữ đến khi đáo hạn (HTM) trong quý IV/2022.

Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu SSI với giá mục tiêu 26.092 đồng/cổ phiếu.

PNJ: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 119.974 đồng/cổ phiếu

Doanh thu thuần quý III/2022 của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) đạt 7.364 tỷ (tăng 8,4 lần từ nền thấp do lockdowns) và chỉ giảm 9,4% so với quý trước do tính mùa vụ. Đáng chú ý nhất, doanh thu bán lẻ duy trì lành mạnh trong quý III/2022, xác lập những kỷ lục mới.

Đến nay, ban lãnh đạo PNJ chia sẻ rằng sức mua của nhóm khách hàng trung lưu và giàu có (MAC) vẫn ổn định giúp PNJ đạt kỷ lục mới trong mùa bán hàng 20/10. Tuy nhiên, PNJ tin rằng tác động từ lạm phát lên nhóm khách hàng MAC sẽ ít hơn và có độ trễ so với nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn.

Trong dài hạn, ban lãnh đạo PNJ tin rằng việc gia tăng thị phần trong bối cảnh thị trường trang sức tăng trưởng tốt ở Việt Nam là quan trọng cho câu chuyện tăng trưởng. Về mặt địa lý, ban lãnh đạo cho rằng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng ở các thành phố ngoài TP. HCM, các thành phố này dự kiến sẽ được nâng cấp lên đô thị loại cao hơn.

Ban lãnh đạo PNJ cũng cho rằng thu hút khách hàng mới đến các thị trường có thương hiệu là chìa khóa để phát triển cơ sở khách hàng.

Kế hoạch mở mới các cửa hàng của PNJ trong năm 2022 (35-40 cửa hàng) vẫn đang đúng tiến độ, trong khi mục tiêu ở kịch bản cơ sở cho năm 2023 là mở mới 30-35 cửa hàng, sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, theo chia sẻ của Ban lãnh đạo.

Đồng thời, hiệu quả hoạt động tiếp tục được cải thiện nhờ: thúc đẩy doanh số với các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, bổ sung các sản phẩm “cộng hưởng” và quá trình chuyển đổi số không ngừng đã chứng minh mang lại hiệu quả đối với trải nghiệm khách hàng và quản lý tồn kho. Điều này giúp tối ưu hóa biên lợi nhuận hơn nữa, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

BVSC điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2022-2023 đối với PNJ, chủ yếu do giả định biên lợi nhuận thấp hơn và chi phí hoạt động cao hơn, trong bối cảnh công ty nỗ lực thâm nhập các thị trường thấp hơn.

Cho 2022, BVSC nâng dự báo doanh thu 3,9% lên mức 31.592 tỷ (tăng 61,1%), trong khi giảm dự báo lợi nhuận ròng 7,8% xuống 1.794 tỷ (tăng 73,7%). Đối với năm 2023, BVSC hiện dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt tăng 7,4% lên 33.917 tỷ và tăng 9,3% lên 1.962 tỷ.

BVSC giảm 14,9% giá mục tiêu theo DCF cho PNJ xuống mức 119.974 đồng/cổ phiếu (từ 141.000 đồng/cổ phiếu trước đây), do giảm dự báo lợi nhuận, và sử dụng WACC cao hơn (các giả định đầu vào là lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu cao hơn).

Do lợi nhuận tăng đột biến trong năm nay, giá cổ phiếu PNJ đã tăng 9,1% so với đầu năm. BVSC ưa thích PNJ với các nguyên do như giá trị thương hiệu hàng đầu, vị thế dẫn đầu thị trường cho phép hưởng lợi từ xu hướng hợp nhất đang diễn ra của ngành, và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam; tác động hạn chế từ lạm phát.

BVSC duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu PNJ, giá mục tiêu 119.974 đồng/cổ phiếu.

Duy trì khuyến nghị khả quan ACV với giá mục tiêu 117.900 đồng/cp

Doanh thu quý III/22 của ACV tăng 10,3 lần svck nhờ hàng không nội địa hồi phục mạnh mẽ với sản lượng khách nội địa quý III/2022 tăng 87 lần so với cùng kỳ – bằng 154,7% mức trước dịch. Nhờ hoạt động cốt lõi phục hồi mạnh, ACV ghi nhận 2.380 tỷ lợi nhuận gộp so với 1.004 tỷ lỗ gộp quý III/2021. Doanh thu tài chính quý III/2022 tăng 97,8% so với cùng kỳ nhờ lãi tỷ giá 471 tỷ (so với 16 tỷ trong quý III/2221). Kết quả là ACV ghi nhận 2.118 tỷ lợi nhuận ròng trong quý III/22 so với lỗ ròng 767 tỷ trong qúy III/21. So sánh với quý trước, lợi nhuận ròng quý III/2022 giảm 10,9% do lãi tỷ giá thấp hơn. Loại đi khoản thu nhập tài chính bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi quý III/2022 tăng 44% so với quý trước, cho thấy hoạt động cốt lõi của ACV đang trên đà hồi phục mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng ACV tăng 30 lần so với cùng kỳ, cao hơn kỳ vọng của chúng tôi do lãi tỷ giá cao và hoàn thành 99,8% dự phóng cả năm của chúng tôi.

Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ Q2/23. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong Q2/23 và 105,3% trong Q4/23 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% svck trong năm 2023. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% svck trong 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan cho ACV với giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 117.900 đ/cp (+3,4% so với báo cáo trước) do (1) chúng tôi chuyển mô hình dự phóng DCF sang cuối 2022, và (2) chúng tôi điều chỉnh tăng dự phóng EPS 2022 thêm 29,0% nhờ hàng không nội địa phục hồi mạnh nhưng giảm dự phóng EPS 2023-24 thêm 3,3%-6,0% do bất ổn từ chính sách zeroCovid của Trung Quốc và lãi suất cùng tỷ giá đồng USD tăng cao. Tiềm năng tăng giá gồm (1) hàng không quốc tế hồi phục mạnh mẽ, (2) kế hoạch chia cổ tức được thông qua. Rủi ro tăng giá gồm kế hoạch niêm yết trên HSX được thông qua. Rủi ro giảm giá gồm (1) bất ổn từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc, (2) đồng Yên mạnh hơn dự kiến, (3) đồng USD và lãi suất USD tăng cao hơn dự kiến, và (4) xây dựng sân bay Long Thành bị chậm tiến độ.

Duy trì khuyến nghị khả quan ACB với giá mục tiêu thấp hơn là 30.000đ/cp

ACB được biết đến là một ngân hàng với chiến lược “thận trọng” khi không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong danh mục tín dụng và tỷ lệ cho vay bất động sản không đáng kể. Do đó, ít nhất ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường TPDN và bất động sản. Tuy nhiên, tăng trưởng LN ròng sẽ chậm lại trong năm 2023-24 do những rào cản nói trên của toàn ngành và chỉ tăng khiêm tốn 10% svck trong 2023-24, do (1) tăng trưởng cho vay chậm lại; (2) NIM thu hẹp; (3) tăng trích lập dự phòng để đề phòng rủi ro nợ xấu.

Chúng tôi điều chỉnh P/B mục tiêu xuống 1,4 lần từ mức 2 lần trước đó để phản ánh các khó khăn trong ngành; cộng với phương pháp định giá thu nhập thặng dự (COE: 15%, LTG: 3%), giá mục tiêu cho ACB sẽ là 30.000đ/cp (-10% từ giá mục tiêu trước). Chúng tôi vẫn ưa thích ACB dựa vào (i) mô hình tập trung vào danh mục bán lẻ, phù hợp với xu hướng ngân hàng bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam; (ii) khả năng bán chéo sản phẩm và tăng thu nhập từ phí dựa trên tệp khách hàng lớn sẵn có; và (iii) chất lượng tài sản lành mạnh. Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lãi suất tăng cao hơn dự kiến và (ii) nợ xấu tăng cao so với dự kiến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại