Không vay thêm vốn ODA cho dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
Thủ tướng thống nhất điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhưng không vay thêm vốn ODA (do thủ tục phức tạp) mà dùng ngân sách nhà nước.
Ngày 7/8, tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội và các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói việc vay thêm vốn ODA có nhiều thủ tục phức tạp như liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá...
Hiện nay, các gói thầu của dự án ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam, còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen từ nhiều quốc gia. Thủ tướng yêu cầu rà soát vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và các nước, quy định của nhà tài trợ, để điều chỉnh phù hợp.
Khoảng ba tháng trước, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án Nhổn - ga Hà Nội thêm 4.905 tỷ đồng (tổng mức đầu tư dự án được đề xuất là 34.530 tỷ đồng) và lùi thời gian vận hành đến năm 2027 do có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo lãnh đạo MRB, việc điều chỉnh do có biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền Việt Nam đồng) trong quá trình thanh toán khối lượng xây dựng của dự án. Đồng thời, dự án cần điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành hai giai đoạn...
Thủ tướng cho rằng trách nhiệm khiến dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, thành phố Hà Nội, đơn vị tư vấn, nhà thầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và Hà Nội được ông đánh giá "chưa hiệu quả", vướng mắc phát sinh không kịp thời được xử lý. "Nếu không có giải pháp quyết liệt thì dự án có thể tiếp tục kéo dài và xuất hiện các vấn đề khác".
Theo ông Chính, lãnh đạo Chính phủ các thời kỳ rất quan tâm đến dự án này. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có ba văn bản tháo gỡ khó khăn cho dự án, nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc. Do đó, ông yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội chủ động thực hiện nhiệm vụ, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu, cuối năm 2022 phải hoàn thành đoạn trên cao; nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự án khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành 2015. Tuy chậm tiến độ 7 năm, đến nay dự án mới đạt 75%. Tổng vốn đầu tư tăng gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ. Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận