Khối ngoại thu hẹp đáng kể lực bán ròng trong tháng 7
Khối ngoại bán ròng gần 9,049 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 7, giảm đáng kể so với mức bán ròng “khủng” của tháng 5 và tháng 6 liền trước, lần lượt là 15,695 tỷ đồng và 16,605 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường vẫn chưa xuất hiện tín hiệu tích cực rõ rệt như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Áp lực bán ròng giảm mạnh nhưng thị trường chưa thể vào guồng
VN-Index khởi đầu tháng 7 với nhịp tăng từ vùng 1,240 lên mốc gần 1,294, nhưng sau đó lại bước vào pha giảm liên tục về quanh mốc 1,232 và chỉ thật sự hồi phục trong giai đoạn cuối để khép lại tháng 7 tại mốc 1,251.51, nhích nhẹ 0.5% so với cuối tháng 6.
Chỉ số nhiều lần đảo chiều, khối ngoại cũng ghi nhận những động thái khó lường không kém, nhưng dễ thấy có sự khác nhau trong nửa đầu và nửa cuối tháng.
Cụ thể, tiếp nối hành động bán ròng đã diễn ra từ nhiều tháng trước, khối ngoại tái hiện kịch bản cũ trong giai đoạn đầu tháng 7, thậm chí xuất hiện phiên bán ròng gần 2,265 tỷ đồng vào ngày 08/07 với lực bán trên diện rộng, nổi bật là lệnh bán thỏa thuận gần 450 tỷ đồng đối với cổ phiếu HDB.
Nhưng trong nửa sau tháng 7, hành động của khối ngoại có sự thay đổi khi đan xen nhiều phiên mua ròng và bán ròng. Phiên mua ròng mạnh nhất được ghi nhận vào ngày 18/07 với giá trị gần 963 tỷ đồng, trong đó HDB tiếp tục gây chú ý với lệnh mua thỏa thuận gần 700 tỷ đồng.
Nhìn chung, động thái chủ đạo vẫn là bán ròng với 17/23 phiên trong tháng, giá trị ghi nhận gần 9,049 tỷ đồng, giám đáng kể so với tháng 6.
Cũng có kết quả bán ròng nhưng trong bối cảnh hoàn toàn khác, HNX lần đầu chịu tình cảnh này sau 4 tháng liền mua ròng. Tháng 7, khối ngoại bán ròng hơn 110 tỷ đồng trên HNX. Tính chung các sàn, khối ngoại bán ròng hơn 9,159 tỷ đồng.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 62,182 tỷ đồng trên HOSE, vượt qua giá trị “khủng” hơn 56,208 tỷ đồng của năm 2021.
Quay về tháng 6 liền trước, giới đầu tư có thời điểm tỏ ra vô cùng hưng phấn khi VN-Index vượt ngưỡng 1,300 điểm, nhưng sau đó niềm tin dần mất đi khi chứng kiến chỉ số không những không giữ được mốc này mà ngày càng giảm sâu.
Nhìn rộng hơn, chỉ số đã có 3 lần chỉ trong vòng 4 tháng gần nhất phải chịu kết cục thất bại trên hành trình chinh phục ngưỡng 1,300 điểm. Nhiều lý do đã được đưa ra, trong đó có áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, đỉnh điểm với giá trị 15,695 tỷ đồng và 16,605 tỷ đồng trong liên tiếp tháng 5 và tháng 6.
Giai đoạn đó, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng về kịch bản thị trường sẽ chuyển biến tích cực trở lại trong trường hợp lực bán của khối ngoại suy giảm. Nhưng thực tế lại chỉ ra rằng, dù mức bán ròng đã giảm rất mạnh chỉ còn gần 9,049 tỷ đồng trong tháng 7 nhưng thị trường vẫn chưa cho thấy những tín hiệu thật sự khởi sắc.
Nhiều “ông lớn” bị bán ròng hàng ngàn tỷ
Trở lại với HOSE, cổ phiếu của nhiều “ông lớn” trên sàn bị bán ròng mạnh mẽ, trong đó FPT bị bán mạnh nhất gần 2,450 tỷ đồng. Ngoài FPT, còn có ba cổ phiếu khác cũng bị bán ròng trên ngàn tỷ là bộ ba “họ Vin” bao gồm VHM, VRE và VIC.
Chiều ngược lại, giá trị mua ròng vẫn rất khiêm tốn so với bán ròng, trong đó SBT là cổ phiếu dẫn đầu nhưng cũng chỉ được mua ròng hơn 902 tỷ đồng.
Trên HNX, hai Công ty cùng có mối liên hệ chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là PVI và PVS lại đứng hai đầu chiến tuyến, với PVI bị bán ròng nhiều nhất hơn 119 tỷ đồng và ngược lại PVS được mua ròng nhiều nhất gần 157 tỷ đồng.
Khi nào ngừng bán ròng?
Trong chương trình C2C tháng 7 được tổ chức chiều ngày 31/07 bởi Chứng khoán HSC, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc Nghiên cứu Chiến lược (HSC) đã có những chia sẻ về động thái bán ròng của khối ngoại.
Theo ông Dũng, trong quá trình trao đổi và tìm hiểu các khách hàng là quỹ đầu tư nước ngoài, họ có 4 lý do để thấy Việt Nam không hấp dẫn trong giai đoạn vừa rồi.
Thứ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có thể chủ động giải ngân vào những thị trường hấp dẫn hơn. Thị trường Việt Nam hiện đang hụt hơi so với các thị trường khác như Indonesia, Malaysia và thậm chí là Ấn Độ.
Nguyên nhân điển hình là các ngành công nghệ, bán dẫn, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo dù đã được nhắc đến nhiều nhưng việc triển khai thực tế hay những pháp lý để ủng hộ các ngành này lại chưa có. Bên cạnh đó là việc cải cách pháp lý cho ngành dầu khí, bất động sản, chứng khoán chưa thành hiện thực, mà riêng với ngành chứng khoán là câu chuyện nâng hạng thị trường, triển khai hệ thống giao dịch mới.
Thứ hai, thị trường Việt Nam chưa có nhiều cổ phiếu mới cho nhà đầu tư lựa chọn, chủ yếu vẫn quay lại rỗ cổ phiếu cũ.
Thứ ba là kết quả kinh doanh quý 2 phục hồi chưa đủ mạnh. Nhìn cả VN-Index tăng trưởng 15-18% là khá tốt, nhưng khi bóc tách thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa tốt, trong khi lại chiếm đến 98% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thứ tư là liên quan đến các sự kiện gây chú ý trên thị trường, điển hình như trái phiếu, đại án Vạn Thịnh Phát…
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhận định rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu muốn quay trở lại Việt Nam, nhờ 5 yếu tố bao gồm kinh tế vĩ mô tích cực; định giá cổ phiếu vừa và nhỏ nếu trở nên hợp lý hơn sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài; Fed dự kiến cắt giảm lãi suất; tình hình chính trị ổn định hơn; Bộ Tài chính cố gắng bỏ quy định ký quỹ 100% trước khi giao dịch.
Hay theo một chia sẻ của ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc Khách hàng Cao cấp Hà Nội (Chứng khoán DNSE) trong buổi Livestream Radar Đầu tư cũng diễn ra trong chiều ngày 31/07, trước câu hỏi liên quan đến việc khi nào khối ngoại sẽ mua ròng, ông Hoàng cho rằng khi vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vẫn tăng trưởng thì vốn đầu tư gián tiếp (FII) sẽ quay lại. Thời điểm có thể là trong 12 - 18 tháng tới khi mặt bằng lãi suất của Fed sẽ sớm giảm. Lúc này, vốn đầu tư gián tiếp sẽ len lỏi ở các thị trường có định giá phù hợp.
Ông cho biết thêm, từ năm 2014 tới nay có nhiều năm định giá rất đắt như năm 2017, P/E VN-Index lên tới 23 lần. Ngược lại có những giai đoạn rất bi quan như thời COVID, đại án Vạn Thịnh Phát thì định giá về mức rẻ. Hiện tại, định giá đang khá rẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận