Khi nào cuộc chiến 'giá rẻ quá' giữa các doanh nghiệp bán lẻ kết thúc?
Biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã xuống thấp trong quý 3/2023 sau khi lao vào "cuộc chiến giá rẻ'.
“Cuộc chiến giá rẻ” trên thị trường bán lẻ công nghệ (ICT) bắt đầu gay gắt từ đầu quý 2 năm nay. CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) là doanh nghiệp đầu tiên “tuyên chiến". Trước đó, giá các mặt hàng điện thoại, máy tính của MWG vẫn nhỉnh hơn thị trường chung do công ty nhắm đến thu hút khách hàng chủ yếu bằng chất lượng dịch vụ.
Khi thị trường ICT bão hoà và những khó khăn của nền kinh tế tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu từ cuối năm 2022, MWG đã phải thay đổi chiến lược.
Ngay sau đó, Thế giới Di động không chỉ hạ giá thành sản phẩm mà còn liên tục triển khai các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tuy nhiên việc này cũng trực tiếp tác động đến biên lợi nhuận của công ty, thể hiện rõ nhất trong hai quý vừa qua.
Quý 3/2023, doanh thu thuần của MWG đạt gần 30.300 tỷ đồng, chỉ giảm 5% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm tới 96%. Nguyên nhân chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh từ mức 23% của cùng kỳ năm ngoái về 15%.
Biên lãi ròng của MWG chỉ đạt 0,13% trong quý 3/2023, chỉ cao hơn quý 2/2023 (0,06%) và quý 1/2023 (0,07%). Đây là ba quý ghi nhận biên lợi nhuận ròng thấp nhất của MWG kể từ khi niêm yết trên sàn năm 2014. Giai đoạn bình thường, chỉ số này của doanh nghiệp đạt khoảng 3-4%.
Điểm "gỡ" lại kết quả kinh doanh cho MWG đến từ doanh thu hoạt động tài chính, đạt 619 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm cuối tháng 9, MWG có hơn 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 70% so với đầu năm. Nếu không có khoản này, có thể MWG đã thua lỗ.
Nhìn sang đối thủ lớn nhất của MWG – CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT), kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng lớn khi áp lực cạnh tranh tăng lên. Doanh thu hợp nhất của công ty trong quý 3 vừa qua đạt 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên do chi phí lớn (riêng chi phí bán hàng chiếm 1.029 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ) nên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail chỉ đạt 1,4 tỷ đồng, không đáng kể so với con số 103 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, so với mức âm 200 tỷ đồng trong quý 2/2023, kết quả này đã cải thiện hơn rất nhiều.
Nếu MWG ứng biến với khó khăn bằng giải pháp tài chính thì FPT Retail vẫn mạnh tay đầu tư cho chuỗi nhà thuốc. Đây cũng là lĩnh vực được kỳ vọng là tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2023, công ty mở mới 447 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc lên 1.384. Trong khi chuỗi FPT Shop đạt 12.222 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng đầu năm ngoái thì chuỗi Long Châu đạt 11.088 tỷ đồng, tăng tới 69%.
Một doanh nghiệp tên tuổi khác trong ngành bán lẻ ICT là CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Trong quý 3/2023, doanh thu thuần của DGW ghi nhận 5.412 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng, giảm 42,6%. Nguyên nhân lợi nhuận giảm sâu hơn doanh thu cũng là do chi phí bán hàng tăng cao.
Trong bối cảnh sức cầu nhóm ngành ICT yếu, việc tranh giành thị phần khiến các công ty phải giảm giá bán, triển khai nhiều chương trình khuyến mại, qua đó làm giảm biên lợi nhuận, tăng chi phí bán hàng. Như vậy tình hình này kéo dài sẽ đều không có lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trải nghiệm khách hàng và Marketing của FPT Retail cho rằng, cuộc chiến giá có thể có lợi cho người tiêu dùng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, đây là cuộc chiến Lose - Lose (cùng thua).
Theo ông Bảo, doanh nghiệp giảm giá sản phẩm thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Khi đó, những khoản đầu tư, tái đầu tư cho dịch vụ trước - trong - sau bán hàng sẽ bị ảnh hưởng, người tiêu dùng sẽ thiệt về đường dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận